Tìm cơ hội khi thị trường phân hóa sâu

Tìm cơ hội khi thị trường phân hóa sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến của thị trường chứng khoán tuần cuối tháng 9 bước sang tháng 10 cho thấy, dường như phương thức đầu tư lựa chọn cổ phiếu thay vì quan tâm quá nhiều đến chỉ số sẽ có hiệu quả.

Tuần cuối tháng 9, trong khi thị trường chứng khoán còn chưa cho thấy tín hiệu thoát khỏi diễn biến đi ngang, xác định xu hướng tăng giảm rõ ràng thì tại nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, nhiều bản tin phát sóng trực tiếp dành cho khách hàng có chủ đề “cơ hội đầu tư sau giãn cách, cơ hội khi nền kinh tế mở cửa trở lại” được cung cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhà đầu tư về việc ra quyết định trong bối cảnh thị trường giằng co.

Theo tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán, góc nhìn của đa số tổ chức, công ty chứng khoán hay các cá nhân có uy tín trong những cuộc thảo luận về chủ đề này là định giá chung của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rẻ ở mức P/E hơn 16 lần cho năm 2021 và nếu nhìn sang năm 2022 thì dự báo định giá P/E còn hấp dẫn hơn, ở mức khoảng 10 lần.

Trong khi cơ hội tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp dù bị gián đoạn do giãn cách chống dịch, nhưng vẫn không thay đổi khi nhìn theo năm.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên. Các doanh nghiệp vẫn có cơ hội khôi phục các đơn hàng xuất khẩu trong quý cuối năm nay, nếu sản xuất được duy trì ổn định với tâm lý sống chung với dịch.

Mặc dù thanh khoản của thị trường trong tuần qua giảm xuống, nhưng sự tích cực của dòng vốn có biểu hiện sợ mất cơ hội (FOMO) ở nhóm cổ phiếu khí và đạm đẩy cổ phiếu GAS và DCM tăng trần cho thấy dòng tiền vẫn ở lại thị trường nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Dòng tiền đã phản ứng rất nhanh khi giá khí tăng cao và giá phân đạm trên thị trường thế giới nhanh chóng tăng từ 410 USD/tấn lên 530 USD/tấn trong tuần trước. Đà tăng khá vững do giá khí tăng trên toàn thế giới và có nhiều yếu tố tiếp tục củng cố động lực tăng trong thời gian tới.

Thị trường đã nhanh chóng suy diễn cơ hội đầu tư vào nhóm ngành khí và đạm từ bài học kinh nghiệm khi đầu tư vào nhóm ngành thép, nhôm và một vài nguyên liệu sản xuất cơ bản khác khi nguyên liệu các ngành này tăng giá.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn chiếm trọng số lớn trong rổ chỉ số, chịu sức ép bán ra vì thông tin nợ xấu ngành ngân hàng có thể tăng lên mức 8% vào cuối năm.

Diễn biến của thị trường chứng khoán tuần cuối tháng 9 bước sang tháng 10 cho thấy, dường như phương thức đầu tư lựa chọn cổ phiếu thay vì quan tâm quá nhiều đến chỉ số sẽ có hiệu quả, dù cho việc lựa chọn điểm mua trở nên khó khăn hơn cho nhà đầu tư ngắn hạn và hoạt động giao dịch hàng ngày.

Chỉ số biến động trong biên độ hẹp và nhiều cổ phiếu cũng đang giao dịch với trạng thái khá “buồn ngủ”, kể cả trong những phiên thị trường giảm mạnh do tác động bởi các thông tin từ thị trường thế giới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp nhưng dòng tiền sẽ sớm phân hóa sâu hơn, không chỉ phân phân hóa theo nhóm ngành mà phân hóa theo từng cổ phiếu có câu chuyện riêng, bởi bản chất các doanh nghiệp trong từng ngành lĩnh vực cũng chịu tác động khác nhau do ảnh hưởng của đại dịch.

Mô hình phục hồi theo hình chữ K của nền kinh tế thể hiện rõ nét trong từng nhóm ngành và trên thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng sẽ phân luồng theo mô hình chữ K chảy vào những doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Do đó, đầu tư trong giai đoạn “sống chung với Covid” cũng là những bài toán cân não hơn, đòi hỏi phải toan tính hơn khi dòng tiền thông minh sẽ có nhiều hơn các cơ hội không chỉ ở các kênh đầu tư khác mà cả với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trực tiếp khi cuộc sống dần trở lại “bình thường mới”.

Trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán cũng muốn cùng bạn đọc bàn luận, cùng nhận diện những cơ hội trong một bối cảnh mới, khác hẳn nhiều tháng “ngồi nhà canh bảng” trước đây.

Tin bài liên quan