Vải thiều chính vụ có nguy cơ “cháy hàng”

Năm nay vải sớm và vải chính vụ đều mất mùa, sản lượng giảm nhiều nên người trồng không lo đầu ra.
Người dân thu hoạch vải sớm bán cho thương lái Trung Quốc tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang

Người dân thu hoạch vải sớm bán cho thương lái Trung Quốc tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang

Đợt thu hoạch vải sớm tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã sắp kết thúc và chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều chính vụ. Năm nay sản lượng giảm nhưng vải được giá, đắt hàng nên người trồng vải vẫn rất phấn khởi.

Vải thiều chính vụ có nguy cơ “cháy hàng”

Còn 4 – 6 ngày nữa mới đến thời điểm thu hoạch vải thiều chính vụ, nhưng hầu hết các nhà vườn trồng vải VietGAP, GlobalGAP tại các xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đến thời điểm này đã tấp nập thương lái Trung Quốc đến vườn đặt mua. Ông Giáp Văn Thành, một chủ vườn vải ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nay vải sớm và vải chính vụ đều mất mùa, sản lượng giảm nhiều nên người trồng không lo đầu ra, đặc biệt là giá cả cao hơn nhiều so với năm 2015 nên nông dân vẫn phấn khởi.

Theo dự đoán của tôi, dù sản lượng vải năm nay giảm từ 20 – 40 % so các năm trước nhưng được giá cao hơn nên gia đình tôi vẫn giữ được mức thu nhập khoảng trên dưới 200 triệu đồng” – ông Thanh khoe. 

Với mức thu mua thực tế của thương lái Trung Quốc tại địa phương hiện giờ, ông Thành cho rằng, năm nay vải chính vụ ít nên khả năng sẽ cháy hàng. “Nếu như các năm trước thương lái vào vườn lựa mua vải đẹp thì năm nay họ đổ xô vào vườn tranh nhau thu mua hết vải cho nông dân với giá trên 30.000 đồng/kg (cao hơn 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg so với năm 2015)” – ông Thành chia sẻ.

Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, hiện tại vụ thu hoạch vải sớm tại huyện đã sắp kết thúc với sản lượng đạt khoảng 8.500 tấn, chủ yếu được bán trong nước và xuất sang Trung Quốc với giá từ 25.000 đồng/kg đến gần 40.000 đồng/kg.

Theo ông Báo, còn khoảng 5 ngày nữa các xã của huyện sẽ tiếp tục bước vào vụ thu hoạch vải thiều chính vụ. “Hiện, mới có một số doanh nghiệp trong nước và ngoài nước gọi điện hỏi tình hình chứ chưa có đơn vị nào đặt hàng chính thức nhưng theo suy đoán của tôi, với sản lượng vải thiều năm nay khoảng hơn 60.000 tấn thì cũng không đủ để cung cấp cho thị trường Trung Quốc chứ chưa nói gì đến bán cho các nước khác đâu” – ông Báo khẳng định.

Tại tỉnh Hải Dương, vụ vải sớm đến thời điểm hiện tại cũng đã cơ bản xong. Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết: So với mùa vụ năm 2015, sản lượng vải năm nay chỉ đạt khoảng trên dưới 55.000 tấn, trong đó vải sớm đạt 15.000 tấn, vải thiều chính vụ đạt gần 40.000 tấn.

Cũng theo bà Hà, vụ vải sớm nay của tỉnh được giá cao hơn 1,5 lần so với mùa vụ năm 2015, đạt khoảng từ 25.000 đồng đến trên 30.000 đồng/kg.

Vải thiều chính vụ có nguy cơ “cháy hàng” ảnh 1

Người dân đóng vải cho thương lái Trung Quốc tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang 

Khó khăn sớm được tháo gỡ

Bà Hà cho biết thêm, tín hiệu mừng là đầu vụ vải sớm tháng 6 vừa qua, lô vải u trứng đầu tiên khoảng 1,5 tấn của tỉnh được Công ty Rồng Đỏ (TP.HCM) thu mua xuất khẩu thử nghiệm sang Pháp thành công. “Năm nay sản lượng vải đạt thấp nhưng đơn đặt hàng nhiều nên nông dân khá phấn khởi. Cụ thể, ngoài các doanh nghiệp trong nước đang khảo sát, thu mua vải thiều xuất khẩu đi các nước châu Âu, hiện tại tỉnh đang có khoảng trên 70 thương lái Trung Quốc đang “đóng đô” tại các vùng vải của tỉnh để tiến hành thu mua nốt vải sớm và đặt hàng mua vải thiều chính vụ đưa về nước tiêu thụ” – bà Hà khẳng định.

Theo thông tin từ ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP.HCM), trong đầu tháng 6 vừa qua, công ty này cũng đã xuất khẩu 1 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào thị trường Mỹ.

Ông Tú cho hay năm nay nhu cầu vải thiều tại Mỹ sẽ cao hơn bởi mùa vụ ở Mexico chậm hơn Việt Nam khoảng 2 tuần. “Trong năm 2015, doanh nghiệp mới xuất khẩu bước đầu được 2 container vải thiều sang Mỹ nhưng năm nay sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường này khoảng từ 10 -20 tấn” – ông Tú khẳng định.

Về vướng mắc nảy sinh khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm nay từ chối yêu cầu soi chiếu, giám sát an ninh quả vải tại trung tâm. Theo bà Đặng Thị Thanh Hải – Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Logistic Hoàng Hà, chi nhánh Hà Nội cho biết, sau nhiều ngày đề nghị, kêu gọi của các doanh nghiệp, tại một cuộc họp cuối tuần vừa qua, vấn đề trên đã được giải quyết ổn thỏa tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào xuất khẩu vải thiều sang các thị trường khó tính, đặc biêt là Australia.

Cụ thể, tại cuộc họp (ngày 10/6) Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường đã chỉ đạo và giao cho phòng an ninh tham mưu chủ trì, phối hợp với Trung tâm chiếu xạ của Bộ KHCN chủ động xây dựng quy chế soi chiếu an ninh đối với vải thiều ngay tại trung tâm chiếu xạ để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Cùng với đó, phương án soi chiếu an ninh tại sân bay Nội Bài cũng phải được nghiên cứu và tiến hành hiệu quả, đảm bảo an ninh hàng không.

“Hiện chúng tôi chỉ chờ phía đối tác Australia ký giấy chấp nhận chiếu xạ tại Hà Nội và chờ đến ngày thu hoạch vải thiều chính vụ nữa là các doanh nghiệp lấy hàng đưa lên máy bay đi thôi” – bà Hải khẳng định.

So với năm 2015, vụ thu hoạch vải năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Đến thời điểm hiện tại, ngoài 6 doanh nghiệp (chủ yếu ở phía Nam) tham gia xuất khẩu vải thiều, còn có một số doanh nghiệp khác cũng đang trong tư thế sẵn sàng vào cuộc khi vào vụ thu hoạch vải thiều chính vụ sắp tới.

Ông Hoàng Trung –Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT)

Tin bài liên quan