Smartphone Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường như Nokia

Sau khi kiểm soát phần lớn thị trường trong nước, các hãng smartphone Trung Quốc bắt đầu “vươn vòi bạch tuộc” ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Thâm Quyến, thành phố lớn thứ năm của Trung Quốc, nổi tiếng bởi tập hợp rất nhiều các nhà sản xuất điện thoại di động, trong đó có OnePlus. Công ty được thành lập bởi người cũ của Oppo, Pete Lau (40 tuổi) và Carl Pei (25 tuổi) nhanh chóng khẳng định tên tuổi dựa vào những ước mơ của mình, dù trước đó các nhà phân tích không mấy lạc quan về các mẫu điện thoại có giá từ 300 USD. Bởi khi nhắc đến các hãng điện thoại Trung Quốc, hầu hết lại nhớ đến các mẫu giá rẻ hơn số tiền đó nhiều lần.

smartphone-trung-quoc-se-thong-linh-thi-truong-nhu-nokia
Đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động của OnePlus.

“Chúng tôi tự đặt ra cho mình các mục tiêu cụ thể: 30.000 chiếc để có thể tồn tại trên thị trường, 50.000 chiếc là mức chấp nhận được, 100.000 chiếc từng là giấc mơ nhưng hiện tại OnePlus đã tiến đến con số 1 triệu chiếc”, Pei, phụ trách mảng Chiến lược Toàn cầu của OnePlus, nói.

Thành công có phần “chớp nhoáng” của OnePlus có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng công ty này chỉ là một nét chấm phá cho toàn bộ nỗ lực vươn lên của các hãng công nghệ Trung Quốc. Giá rẻ nhưng tích hợp nhiều công nghệ tốt, tính năng hay đã hấp dẫn rất nhiều người trong số 1,36 tỷ công dân nước này.

Xét về thu nhập đầu người, công dân Trung Quốc thua công dân Mỹ tới 4 lần, nhưng từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Kể từ cột mốc đáng nhớ đó, số lượng điện thoại đã tăng gấp đôi mỗi năm, hiện khoảng 400 triệu chiếc, đủ để trang bị cho toàn bộ công dân ở Mỹ và Canada cộng lại, còn dư ra 10 triệu chiếc để dự trữ.

smartphone-trung-quoc-se-thong-linh-thi-truong-nhu-nokia-1
Doanh số smartphone tại thị trường Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2014.

Thời gian qua, hai hãng điện thoại lớn nhất thế giới, Apple và Samsung, đã không giấu giếm ý định xâm nhập thị trường Trung Quốc đầy màu mỡ. Thế nhưng, điều này không hề dễ dàng. “Có một sự gia tăng ngày càng lớn các công ty điện thoại Trung Quốc, hơn 400 công ty. Nó giống như trào lưu vậy!”, ông Neil Shah, Giám đốc Counterpoint Research, nhấn mạnh.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong năm 2011, bảng xếp hạng 10 thương hiệu điện thoại lớn nhất Trung Quốc chỉ có 2 cái tên trong nước, đó là Huawei và Lenovo. Đến năm 2014, con số đó đã tăng gấp 4 lần, tức có tới 8 công ty, trực tiếp đe dọa vị thế của Apple và Samsung. Còn với thị trường thế giới, hiện đã có 6/10 thương hiệu smartphone toàn cầu đến từ Trung Quốc, dù phần lớn hoạt động nội địa.

Tuy nhiên, khi đã có sức ảnh hưởng trong nước, các thương hiệu smartphone Trung Quốc bắt đầu tìm cách mở rộng khu vực hoạt động ra nước ngoài. Ví dụ, Xiaomi đầu tư tại Ấn Độ, ZTE đang có ý định tăng cường sự hiện diện tại Mỹ, hay Huawei đang tấn công châu Âu bằng những chiếc điện thoại giá rẻ nhiều tính năng, như Ascend Mate 7… Có thể nói, smartphone Trung Quốc đã hiện diện ở khắp mọi nơi.

“Đối với các doanh nghiệp khác trên toàn cầu, thị trường Trung Quốc quan trọng. Nhưng với các doanh nghiệp Trung Quốc, thị trường nước ngoài mới là nơi mang lại doanh thu. Chúng tôi đang đặt mục tiêu 70% doanh thu từ smartphone sẽ đến từ bên ngoài biên giới”, Lv Qianhao, Giám đốc Chiến lược của ZTE, nói.

Cũng theo ông Qianhao, không phải tới bây giờ chiến lược đó mới được mang ra sử dụng. Trở lại năm 1970, khi các công ty điện tử từ Nhật Bản phát triển nhanh chóng và chiếm lấy thị trường phương Tây, những Sony, Matsus-hita, Sanyo, Sharp… đều bắt đầu bằng các sản phẩm bắt chước, nhưng bán lại với giá rẻ hơn và họ được biết đến. Đến năm 2000, Samsung, Huyndai, LG… của Hàn Quốc cũng theo mô-típ cũ và thành công.

smartphone-trung-quoc-se-thong-linh-thi-truong-nhu-nokia-2
Xiaomi đang thành công nhờ vào sự đa dạng về sản phẩm, nhiều tính năng và đặc biệt là giá rẻ.

Nhiều năm liền, Trung Quốc phải “đứng trong bóng tối”, chịu đi gia công cho các hãng điện thoại khác như Apple, Nokia, Samsung… nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Android ra đời (2008). Hệ điều hành của Google có giá cả phải chăng, độ tùy biến cao, nhưng hơn hết là không giới hạn số lượng tham gia của các nhà sản xuất, giúp các hãng điện thoại Trung Quốc thay vì chỉ gia công như trước đây, đã có thể tự đứng lên phát triển thương hiệu riêng của mình.

Theo Fortune, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thương hiệu smartphone Trung Quốc, thế giới sẽ đối mặt với kỷ nguyên điện tử tiêu dùng mới mà Trung Quốc sẽ là người thống trị. Rất có thể, các hãng điện thoại Trung Hoa sẽ trở thành “Nokia phiên bản 2” nhờ vào các yếu tố: Giá cả phải chăng, tích hợp công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa.

Tin bài liên quan