Cán bộ và người dân tích cực tham gia Chương trình phân tích ngân sách xã

Cán bộ và người dân tích cực tham gia Chương trình phân tích ngân sách xã

Nâng cao năng lực cộng đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội

(ĐTCK) Hơn 13 năm triển khai hoạt động và đồng hành cùng chính quyền địa phương, Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) tài trợ đã hỗ trợ hiệu quả việc tăng cường phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao nhận thức và năng lực giám sát của người dân, cải cách các dịch vụ công...

Với tổng ngân sách gần 30 tỷ đồng, Chương trình hoạt động tại 8 xã khó khăn nhất trong huyện Vị Xuyên bao gồm các xã Thuận Hòa, Phong Quang, Ngọc Linh, Ngọc Minh, Bạch Ngọc, Quảng Ngần, Thượng Sơn và Cao Bồ, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho gần 96.000 người thụ hưởng tại địa bàn. 

Những con số đáng ghi nhận

Theo kết quả khảo sát đánh giá cuối kỳ thực hiện bởi tư vấn độc lập vào tháng 9/2015, Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên được chính quyền địa phương và cộng đồng đánh giá cao.

Cụ thể, đã có gần 10.000 lượt người được hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế bền vững; xây dựng đường ống nước sạch; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân có thu nhập tốt hơn.

Trên 12.000 trẻ được hưởng lợi thông qua chương trình quyền giáo dục và hỗ trợ trang thiết bị cho các trường học.

34 lớp học xóa mù chữ đã được tổ chức, qua đó, người dân được học tiếng phổ thông, được tập huấn về luật pháp và các quyền, nghĩa vụ theo luật, các kỹ năng phân tích ngân sách, vai trò, trách nhiệm của người dân và chính quyền để tự tin tham gia góp ý về công tác quản lý nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng với đó, mô hình xóa mù chữ phát triển cộng đồng được đánh giá là thành công đặc biệt.

Đối với dịch vụ công, đánh giá của người dân cho thấy, hiệu quả từ việc thực hiện chương trình tới cải thiện chất lượng các dịch vụ hành chính công nói riêng, dịch vụ nông nghiệp nói chung tiến triển rõ rệt. Cụ thể, bộ phận 1 cửa của xã luôn có cán bộ tiếp dân thường trực, thái độ tiếp dân của cán bộ nhiệt tình hơn, hướng dẫn giải quyết tốt hơn...

Từ nguồn hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, mô hình trồng nấm của anh Hoàng Trọng Phương tại xã Ngọc Linh đang phát triển tốt 

Nâng cao năng lực phân tích và giám sát thu chi công

Một trong những điểm nhấn khác biệt của Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên là chương trình phân tích ngân sách xã và xây dựng quản trị nhà nước, trước đây chưa có cơ quan cũng như tổ chức nào quan tâm triển khai hỗ trợ.

Chương trình xây dựng quản trị nhà nước giúp nâng cao năng lực đại biểu HĐND cấp xã, giúp họ phát huy vai trò giám sát các chương trình ngân sách của xã, cải thiện dịch vụ công, là cầu nối hiệu quả giữa chính quyền với người dân.

Đặc biệt, chương trình phân tích ngân sách xã được lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Giang cũng như bản thân đại diện cộng đồng và người dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo cho cán bộ cộng đồng và đại diện người dân như trưởng thôn, chủ tịch hội phụ nữ, thanh niên của thôn, xã về phân tích và quản lý giám sát chi tiêu ngân sách, chi tiêu công, người dân đã hiểu biết nhiều về các nội dung liên quan đến ngân sách xã, nắm bắt được quyền của mình đối với ngân sách và chi tiêu các quỹ công, qua đó nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng và minh bạch hóa việc chi tiêu công của chính quyền.

“Các trưởng thôn đã biết cách xây dựng phương án thu chi các khoản đóng góp trong nhân dân và cán bộ biết kiểm tra, giám sát, đối chiếu giữa dự toán và quyết toán. Bên cạnh đó, hàng năm, chính quyền xã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để báo cáo về các vấn đề liên quan đến thu chi công quỹ và ngân sách địa phương. Bảng thu chi ngân sách đều được niêm yết công khai tại các thôn bản để người dân biết và tham gia đóng góp ý kiến. Các khoản thu phí làm thủ tục dịch vụ công cũng được niêm yết rõ ràng tại phòng 1 cửa để người dân nắm được”, bà Lý Thị Xuyên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Linh cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Xuyên, một bộ phận người dân coi đây là việc của kế toán nên chưa mặn mà với các cuộc họp bàn về ngân sách, ít tham dự và ít góp ý kiến. Về phía cán bộ triển khai ngân sách, trình độ, năng lực còn hạn chế nên triển khai trên thực tiễn còn lúng túng. Đây là điểm yếu cần khắc phục khi chương trình được bàn giao lại cho chính quyền.

Hỗ trợ mô hình sinh kế, chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp

Việc xây dựng các mô hình sinh kế và hỗ trợ, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp để cải thiện cuộc sống cho người dân cũng là một trong những trọng tâm của Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên.

Theo AAV, trong giai đoạn 2002 - 2006 và 2007 - 2010, cùng với chính quyền địa phương, chương trình đã triển khai thực hiện thành công các mô hình sinh kế bao gồm: mô hình trồng và chiết xuất dầu sả tại xã Phong Quang; mô hình nuôi lợn nái ở xã Quảng Ngần; mô hình thảo quả muối chua và nuôi cá bống tại xã Cao Bồ; mô hình trồng lúa, ngô và đậu tương ở xã Thuận Hòa, Bạch Ngọc và một số xã khác; mô hình nuôi dê, trồng khoai tây và nuôi vịt bầu… góp phần đem lại lợi ích cho hơn 8.000 người thụ hưởng.

Việc cấp vốn vay và tập huấn trang bị kiến thức lập nghiệp trong giai đoạn 2007 - 2010 và 2011 - 2015 một mặt giúp trang bị kiến thức kỹ năng đồng hành cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, mặt khác cung cấp nguồn vốn để khuyến khích khởi tạo và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp, giúp người dân cải thiện cuộc sống, thoát nghèo và không ít trong số đó hướng tới làm giàu cho bản thân và cộng đồng.

Đơn cử, anh Hoàng Trọng Phương, đoàn viên thanh niên xã Ngọc Linh đã nhìn thấy cơ hội đổi đời từ việc trồng nấm. Với nguyên liệu rơm rạ để ủ nấm có sẵn và dễ thu mua, việc trồng nấm không tốn quá nhiều công sức như làm ruộng, song cho lại giá trị cao, anh Phương đã quyết tâm bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu vốn, không có kỹ thuật nên thời gian đầu anh nhiều lần thất bại.

Với sự hỗ trợ từ chương trình cho vay vốn quay vòng ban đầu 32 triệu đồng không lãi suất, cùng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng cho dự án của cả nhóm 10 hộ, từ chỗ chỉ đủ khả năng trồng một số lượng nhỏ cung cấp hạn chế, đến nay sau gần 2 năm, anh đã mở rộng quy mô cung cấp nấm trong toàn xã và bước đầu được các đầu mối thu mua của tỉnh, cũng như một số địa phương khác quan tâm.

Nguồn vốn vay ban đầu anh đã thu hồi đủ và đạt doanh thu hơn 40 triệu đồng cho vụ nấm mới kéo dài trong 4 tháng năm 2014, lợi nhuận đạt hơn 15 triệu đồng.

Hiện anh Phương đang tập trung lợi nhuận từ vụ nấm vừa qua để đầu tư mở rộng trại trồng nấm, dự kiến năm nay sẽ tăng gấp đôi sản lượng trồng từ 500 lên 1.000 bịch nấm. Anh bày tỏ nguyện vọng được chương trình cấp thêm vốn để hỗ trợ tăng quy mô sản xuất, thành lập chuỗi cung ứng thường xuyên cho các siêu thị tại các tỉnh, thành miền xuôi, đồng thời mở rộng nuôi trồng và cung cấp thêm một số loại nông sản có giá trị cao khác. Qua đó, tăng doanh thu, lợi nhuận, cải thiện kinh tế gia đình, hướng tới làm giàu cho bản thân và cộng đồng, nhân rộng mô hình trong thôn, xã và đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.

Đánh giá về kết quả tổng thể Chương trình, bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ mang tính bền vững mà Chương trình hỗ trợ phát triển đem lại. Điểm khác biệt của chương trình là xây dựng, nâng cao năng lực cho cộng đồng và đội ngũ cán bộ địa phương, để từ đó họ tự thay đổi, tự cải thiện được cuộc sống của gia đình, đóng góp cho cộng đồng và xã hội”.

Bà Hà cho biết, nối tiếp và kế thừa chương trình, Quỹ hỗ trợ phát triển Vị Xuyên đã được thành lập để tiếp tục nhân rộng thành quả và mô hình thành công của chương trình ra toàn tỉnh.

Tin bài liên quan