Các nhà mạng đã chuẩn bị sẵn sàng 4G phục vụ mùa lễ hội. Trong ảnh: Nhân viên MobiFone kiểm tra hệ thống

Các nhà mạng đã chuẩn bị sẵn sàng 4G phục vụ mùa lễ hội. Trong ảnh: Nhân viên MobiFone kiểm tra hệ thống

Lễ hội thử thách mạng 4G

Mùa lễ hội cao điểm sau Tết Mậu Tuất sẽ là một phép thử cho hệ thống mạng lưới 4G của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone.

Viettel tăng trạm 4G, lắp thêm wifi

Mùa lễ hội sẽ là đợt thử thách thứ 2 của hệ thống mạng lưới hạ tầng, nhất là mạng 4G của các nhà mạng, sau đợt thử thách thứ nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất với cao điểm là đêm giao thừa tại trung tâm 60 tỉnh, thành phố, với gần 300 điểm bắn pháo hoa chào năm mới.

Thông tin từ hệ thống mạng lưới của Viettel cho thấy, trung bình trong dịp nghỉ Tết Mậu Tuất, lưu lượng thoại và dữ liệu tăng khoảng 20%.

Mức tăng này không quá cao và các nhà mạng đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó, nên đã không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, dịp Tết Mậu Tuất, nhu cầu khách hàng sử dụng 4G và live stream trên mạng xã hội nhiều hơn.

Mức tăng trung bình trên hệ thống khoảng 20% và mạng lưới của Viettel đã được chuẩn bị sẵn sàng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Cũng theo ông Thắng, một trong những điểm khác biệt của mạng lưới Viettel năm nay so với các năm trước, đây là Tết đầu tiên của hệ thống mạng 4G. Sau hơn 10 tháng chính thức khai trương, mạng 4G đã chiếm 50% lưu lượng toàn mạng.

Cuối năm 2017, Viettel đã tiếp tục triển khai phát sóng thêm 1.000 trạm, nâng tổng số trạm 4G lên hơn 37.000 trạm và phủ sâu rộng khắp toàn quốc, từ thành phố đến tận khu vực miền núi, nông thôn và biển đảo.

“Sau thời điểm Tết Nguyên đán, số lượng người đi hành hương đến các điểm lễ hội lớn sẽ rất đông. Vì vậy, Viettel đã nâng cấp xong mạng lưới để phục vụ nhu cầu cho các thuê bao trẩy hội đầu xuân”, ông Thắng cho biết.

Để đảm bảo chất lượng mạng lưới, Viettel triển khai nhiều giải pháp như phát sóng trạm mới, bổ sung tài nguyên, nâng cấp dung lượng, chuẩn bị hàng trăm xe thu, phát sóng lưu động... Mỗi chiếc xe này có năng lực phục vụ tương đương với 4 trạm thu phát sóng thông thường.

Cùng với giải pháp đó, Viettel đã lắp đặt gần 220 bộ phát wifi tại các điểm trọng yếu, đông người như khu trung tâm, nhà ga, bến xe… Nhưng chỉ có những thuê bao của Viettel mới được sử dụng wifi tại các điểm này.

Khi đến các điểm đó, các thuê bao của Viettel sẽ nhận được thông báo có thể sử dụng wifi để sử dụng cho các dịch vụ dữ liệu. Đây là biện pháp để san tải cho mạng 4G tại các điểm tập trung đông người.

MobiFone, VinaPhone đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng

Trong khi đó, đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng này cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị về kỹ thuật, nâng cao năng lực mạng lưới, tối ưu hóa các tổng đài, lên kế hoạch chi tiết nhân sự cán bộ kỹ thuật trực và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của khách hàng.

Cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, đa phần diễn ra vào đầu năm, riêng Hà Nội có gần 1.000 lễ hội. Trong đó, lễ hội có quy mô trên 10.000 tham dự khoảng 125 lễ hội. Những năm trước, ở nhiều lễ hội tập trung đông người như Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, chợ Viềng… đã thường xuyên bị “rớt sóng”, nghẽn mạng.

Dịp Tết và lễ hội đầu xuân này là năm đầu tiên mạng 4G Việt Nam đón nhận thử thách với một lượng người dùng lớn tập trung tại các lễ hội và phần đông sử dụng smartphone để live stream, post ảnh lên mạng xã hội, gửi tin nhắn hình, video…

MobiFone đã mở rộng dung lượng hệ thống mạng lõi để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu liên lạc của khách hàng.
Tại các khu vực lễ hội, các điểm tập trung đông người, nơi có khả năng lưu lượng thoại, tin nhắn và lưu lượng data tăng đột ngột, MobiFone đã tối ưu hóa mạng để triển khai các phương án chống nghẽn và điều động, bố trí các xe thu phát sóng lưu động tại các vị trí này.

MobiFone cũng đã bổ sung thêm 1.500 trạm 4G cho riêng thị trường TP.HCM, nơi mà nhà mạng này có thị phần lớn nhất và cam kết phục vụ khách hàng ở khu vực này với chất lượng tốt nhất và tiếp tục khuyến mại và đổi Sim 4G cho khách hàng.

MobiFone thực hiện mở rộng dung lượng hệ thống mạng lõi để đáp ứng nhu cầu liên lạc của khách hàng, hệ thống máy chủ có khả năng đáp ứng cho hơn 50 triệu tin nhắn trong 1 giờ.

Còn lãnh đạo VNPT cho biết, tính đến đầu năm 2018, VNPT đã hoàn thành phát sóng khoảng 14.000 trạm 4G và 5.000 trạm 3G, nâng tổng số trạm toàn mạng lên xấp xỉ 75.000 trạm.

Hiện nay, mạng 4G của VNPT được tư vấn Delloite (dựa trên số liệu đo đạc và thống kê của trang Web Open Signal) đánh giá có tốc độ download/upload đứng đầu tại Việt Nam.

“Trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, VNPT thực hiện san tải, tối ưu năng lực mạng nhằm đảm bảo an toàn thông tin và tài nguyên phục vụ phát sóng, rà soát khu vực có sự kiện lớn tại các tỉnh, thành phố tập trung lượng thuê bao cao để có phương án điều chỉnh hợp lý”, đại diện VNPT cho biết.

Theo báo cáo mới nhất của Open Signal, tốc độ mạng 4G tại Việt Nam là 21,49 Mb/s, nhanh hơn cả ở Mỹ (16,31 Mb/s), chỉ đứng sau Singapore là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tốc độ 4G hiện nay (44,31 Mb/s), nhưng tốc độ mạng lại không ổn định và không phải lúc nào cũng có sẵn.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có gần 4 triệu thuê bao 4G, Chính phủ cũng đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi truy cập mạng.

Dự kiến đến năm 2020, mạng 4G có thể bao phủ 95% lãnh thổ và số lượng thuê bao tăng lên con số 120 triệu. Đồng thời, các nhà mạng vẫn đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi các thuê bao 2G và 3G lên 4G và sẽ lắp đặt thêm trạm 4G.

Tin bài liên quan