Trạm thu phí của dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Trạm thu phí của dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Khoảng 30.000 xe được miễn, giảm phí qua trạm BOT trên Quốc lộ 3

Phạm vi miễn giảm và số lượng phương tiện được miễn giảm phí tại trạm thu phí trên Quốc lộ 3 Thái Nguyên là lớn nhất trong số hơn 70 trạm BOT đang hoạt động trên cả nước.

Sau khi thực hiện các phương án giảm giá vé, tuyên truyền vận động người dân, dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới sắp thu phí trở lại trạm Km77+922,5 trên Quốc lộ 3.

Theo dự kiến của Tập đoàn CIENCO4 (nhà đầu tư dự án), có trên 30.000 phương tiện của người dân thuộc thành phố Thái Nguyên, các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) nằm trong phạm vi miễn giảm phí BOT trên Quốc lộ 3.

Cụ thể, có khoảng 15.000 phương tiện của người dân trong bán kính 10km từ trạm thu phí là các xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng),

Xe nhóm 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) thuộc thành phố Thái Nguyên (Sơn Cẩm, Tân Long, Quan Triều, Quang Vinh, Cao Ngạn, Hoàng Văn Thụ, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Trưng Vương, Quang Trung, Chùa Hang);

Huyện Phú Lương (Phấn Mễ, Cổ Lũng, Giang Tiên, Động Đạt, Thị trấn Đu); huyện Đại Từ (Cù Vân, An Khánh, Hà Thượng, Phục Linh, Tân Linh, thị trấn Hùng Sơn) được miễn phí 100% giá vé.

Khoảng 15.000 phương tiện của người dân sống trong bán kính từ 10-20km được giảm 70% mức phí cho xe dưới 30 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn.

Các phương tiện còn lại được giảm 50% mức phí. Ngoài ra, dân cư ở các khu vực cách trạm thu phí từ 20-30km, được giảm 50% mức phí phương tiện.

Dự án cũng giảm giá chung 30% cho toàn bộ các phương tiện khi lưu thông qua trạm với mức thấp nhất là 25.000 đồng/lượt đối với loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.

Lý giải về tỷ lệ miễn giảm giá vé tùy thuộc vào khoảng cách của các xã, phường nằm trong vùng dự án, lãnh đạo CIENCO4 cho rằng phương tiện của các xã, phường ở gần trạm thu phí chịu tác động lớn, thường xuyên phải qua trạm nên tỷ lệ miễn giảm phí sẽ phải cao hơn các phương tiện thuộc các địa phương cách xa trạm thu phí.

“Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, việc miễn giảm phí được áp dụng trong bán kính dưới 10km tính từ trạm thu phí.

Tuy nhiên, tại dự án Quốc lộ 3, nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, địa phương đã vận dụng tối đa, mở rộng phạm vi miễn giảm phí tới 30km. Phạm vi miễn giảm và số lượng phương tiện được miễn giảm phí tại BOT trên Quốc lộ 3 là lớn nhất trong số hơn 70 trạm BOT đang hoạt động trên cả nước,” lãnh đạo Tập đàn CIENCO4 khẳng định.

Đề cập đến doanh thu thu phí, phía nhà đầu tư cho biết, theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, dự án phải đảm bảo doanh thu thu phí 600 triệu đồng/ngày (2 trạm thu phí gồm trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Km72+930) và một trạm đặt trên Quốc lộ 3 cũ tại Km77+922,5 (khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), nhưng hiện nay chỉ có trạm Thái Nguyên-Chợ Mới đã thu phí từ tháng 1/2018 và doanh thu rơi vào 70-80 triệu đồng/ngày.

“Sắp tới, trạm Km77+922,5 trên Quốc lộ 3 đi vào hoạt động, với số lượng xe miễn giảm phí đã công bố, dự kiến doanh thu của cả hai trạm cũng chỉ được khoảng 250-300 triệu đồng/ngày, chưa bằng 50% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Hiện nay, nhà đầu tư đang phải bù lỗ cho dự án 19 tỷ đồng/tháng,” lãnh đạo Tập đoàn CIENCO4 cho hay.

Tin bài liên quan