Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giá thịt lợn “lì lợm” vì đại gia thao túng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá thịt lợn vẫn “lì lợm” neo ở mức cao bất chấp hàng loạt giải pháp mạnh tìm cách hạ nhiệt từ phía Chính phủ. 

Điều này đặt ra nghi vấn, phải chăng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang âm thầm bắt tay thao túng thị trường thịt lợn trong nước? 

Chuỗi cung ứng phục hồi nhưng giá vẫn tăng mạnh

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, lượng lợn xuất chuồng và sản lượng thịt lợn của cả nước giảm so với năm 2018 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, song mức giảm được đánh giá là không quá lớn.

Năm 2020, tốc độ tăng đàn lợn bình quân 3 tháng đầu năm trên cả nước đạt 6,2%, lượng lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 810.000 tấn, quý II đạt 950.000 tấn, quý III dự kiến đạt trên 1 triệu tấn và quý IV có thể tăng lên gần 1,1 triệu tấn.

Điều này cho thấy, đến cuối quý II và đầu quý III/2020, nguồn cung từ đàn lợn trong nước về cơ bản đã có thể đáp ứng xấp xỉ 90% nhu cầu thịt lợn.

Với khả năng này, theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối quý III và quý IV, nguồn cung trong nước có thể phục hồi, đáp ứng đủ nhu cầu ở mức cao nhất như tháng 12/2018 - trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Trong khi đó, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng tăng mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 27/3, lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 39,2 nghìn tấn, tăng tới 313% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn trên thế giới như Nga, Đức, Ba Lan, Mỹ, Braxin, Canada… đều tăng đáng kể.

Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên là mặc dù nguồn cung từ thị trường trong nước đã có sự phục hồi đáng kể và lượng thịt nhập khẩu cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn tại thị trường trong nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn neo ở mức cao.

Xu hướng tăng tiếp tục trong cả quý II, ảnh hưởng rất lớn tới giá thực phẩm 6 tháng đầu năm, gây áp lực lớn khiến chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ 2019 và 5 năm trở lại đây.

Sự “lì lợm” của giá thịt lợn càng khó hiểu trong bối cảnh Chính phủ đã có cuộc họp đặc biệt với các DN chăn nuôi lớn trên toàn quốc để có giải pháp giảm giá mặt hàng này.

Theo lộ trình được 15 DN lớn tham gia cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối tháng 3 vừa rồi cam kết, giá thịt lợn trong nước sẽ giảm xuống mức 70.000 đồng/kg từ đầu tháng 4, và đến cuối quý II và quý III, giá lợn hơi trong nước sẽ xuống mức 65.000 đồng/kg rồi 60.000 đồng/kg.

Ngay sau cuộc họp này, nhiều DN chăn nuôi lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Green Feed… đều đã có động thái hạ giá lợn hơi xuống khoảng 73.000 - 76.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá lợn trên thị trường vẫn hầu như không giảm và liên tục neo ở trên mức 80.000 đồng/kg lợn hơi.

Trong tháng 4/2020, sau cuộc họp với sự cam kết giảm giá của cả 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, giá lợn hơi trong nước lại tăng vọt 18%, trung bình lên mức 88.000 - 92.000 đồng/kg với lý do được giải thích là vì nguồn cung khan hiếm, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đang thực hiện tái đàn song vẫn giảm so với cùng kỳ.

Tại Hà Nội, thống kê cho thấy vào thời điểm đầu tháng 4, giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh so với cuối tháng 3 dao động từ 155.000 - 290.000 đồng/kg, thậm chí có loại còn lên tới gần 417.000 đồng/kg, mức giá được cho là cao nhất nhì thế giới và hết sức phi lý so với tương quan với nguồn cung và khả năng cung ứng của chuỗi sản xuất cung ứng.

Có hay không việc bắt tay làm giá?

Nguyên nhân nào khiến giá thịt lợn neo cao một cách khó hiểu là câu hỏi rất nhức nhối được đặt ra?

Các lý do đã được đưa ra là do nguồn cung sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, tâm lý tích trữ do dịch bệnh hay nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp tết.

Ngoài ra, sự bất cập trong việc tổ chức hệ thống kênh phân phối, cung ứng mặt hàng thịt lợn từ trại nuôi qua các khâu giết mổ với đa số là quy mô nhỏ phải mua qua nhiều tầng nấc thương lái và quá nhiều khâu trung gian đã đẩy chi phí lưu thông tăng mạnh trong cơ cấu giá bán hàng...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở đây, vai trò tác động tới mức chi phối, dẫn dắt giá trên thị trường của các DN chăn nuôi lớn cũng là một yếu tố rất cần xem xét.

Với cách tiếp cận này, câu hỏi đặt ra là liệu có hay không tình trạng nhiều công ty chăn nuôi đã âm thầm bắt tay nhau thông qua việc liên kết ngang để đẩy giá lợn hơi tăng trở lại mức xấp xỉ 79.000 - 80.000 đồng/kg chỉ ngay sau cuộc họp giữa Chính phủ và các DN chăn nuôi lớn.

Trong đó, không loại trừ có các công ty trong số 15 DN đã trực tiếp tham gia cuộc họp đặc biệt này có cam kết giảm giá!?

Nhìn nhận vấn đề này, với kinh nghiệm dày dặn về chuỗi kinh doanh từ sản xuất tới các kênh phân phối cung ứng, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP.Hà Nội thẳng thắn cho rằng, ở đây, rõ ràng có câu chuyện liên quan đến sự can thiệp chi phối của một số tập đoàn chăn nuôi lớn với những ngón nghề, công đoạn hết sức dích dắc và phức tạp.

Chuyên gia này chỉ rõ những động thái bán hàng của các công ty chăn nuôi cho các công ty liên kết của mình mà không bán thẳng cho lò giết mổ.

Hoặc hiện tượng phải nộp tiền chênh lệch từ 15.000 - 20.000 đồng/kg lợn hơi mới bắt được lợn và tiền này được yêu cầu phải gửi trực tiếp vào tài khoản riêng của cán bộ nghiệp vụ công ty chăn nuôi mà không xuất hóa đơn chính thức đã bị báo chí phanh phui gần đây.

“Thực tế này cho thấy nghi vấn về tác động của các tập đoàn có số lượng lợn lớn trên thị trường đã làm cho giá thịt lợn tăng trở lại rất cần được cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ, liệu có hay không hành vi vi phạm cạnh tranh, thao túng thị trường, gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội và tổn hại cho người tiêu dùng”, ông Phú nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, dưới góc độ Luật Cạnh tranh, có nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty CP Việt Nam có sức mạnh thị trường đáng kể, hoàn toàn có khả năng chi phối, dẫn dắt thị trường mặt hàng thịt lợn.

Theo phân tích của bà Hoa, với thị phần lớn nhất, gấp gần 15 lần công ty đứng thứ 2 là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam và cao gấp nhiều lần, thậm chí tới hàng trăm lần so với các doanh nghiệp chăn nuôi hay hộ chăn nuôi cá thể khác, Công ty CP Việt Nam hiện đã xây dựng được một hệ thống phân phối cung ứng lợn hơi rộng khắp với 24 trung tâm bán lợn thịt trên toàn quốc, thông qua đó tổ chức bán trực tiếp cho khách hàng.

“Với hệ thống phân phối thịt lợn phủ rộng trên toàn quốc, Công ty CP Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát nguồn cung, ấn định giá cả và điều tiết thị trường thịt lợn.

Cũng theo Điều 11 và 12 Luật Cạnh tranh, Công ty CP Việt Nam và Dabaco Việt Nam có một số biểu hiện về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm như việc thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như thỏa thuận cùng tăng giá thịt lợn.

Điều này cho thấy, giá lợn hơi trên thị trường vừa qua có thể bị dẫn dắt bởi những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, trong đó có Công ty CP Việt Nam hay Dabaco.

Giá thịt lợn trên thị trường trong nước phản ánh khá chính xác mức giá được 2 công ty chiếm thị phần chi phối này đưa ra trong suốt năm 2019 và quý I/2020”, bà Hoa phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, từ biểu hiện giá thịt lợn hơi tăng mạnh và duy trì mức cao trong thời gian dài, không loại trừ khả năng 2 DN lớn có thị phần chi phối này đã có hành vi thỏa thuận ấn định giá.

Theo đó, cũng không loại trừ các doanh nghiệp nhỏ và hộ chăn nuôi cùng tăng giá bán trên cơ sở tham khảo giá bán và theo tín hiệu của các công ty dẫn dắt thị trường này.

Để có thể xác minh và đưa ra kết luận có hay không các hành vi này từ phía DN, rất cần sớm có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công thương kiểm tra việc chấp hành Luật Cạnh tranh của DN, tập trung vào các DN chăn nuôi lớn có khả năng chi phối thị trường.                       

Tin bài liên quan