Festival Huế 2014 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Festival Huế 2014 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Festival Huế lần thứ 8 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ chính thức khai mạc vào tối nay (12/4) tại Quảng trường Ngọ Môn (Cố đô Huế). Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014 khẳng định, đây sẽ là một Festival quy mô hoành tráng và đặc sắc về nội dung.

Festival Huế 2014 đang được rất nhiều người chờ đợi. Ông có thể cho biết quy mô Festival lần thứ 8 có điểm gì khác biệt với lần tổ chức trước?

Festival Huế lần thứ 8 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 35 quốc gia ở cả 5 châu lục trên thế giới cùng trên 45 đoàn nghệ thuật tham dự. Ngoài ra, rất nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các cố đô của Việt Nam và từ nhiều vùng miền của đất nước đều cùng tham gia.

Không gian diễn ra Festival Huế lần thứ 8 tiếp tục được khẳng định và mở rộng không chỉ phạm vi trong TP. Huế, trong không gian Hoàng Thành, Quảng trường Ngọ Môn, trong Cung An Định..., mà Festival Huế còn đi về tận nông thôn ở các trung tâm huyện, thị xã, đến tận miền núi, về tận miền biển; đi vào trong bệnh viện để phục vụ các bệnh nhân; vào trong khu công nghiệp để phục vụ các công nhân.

Festival Huế không chỉ là nơi giới thiệu quảng bá về văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, mà còn là một cách tiếp cận giao lưu với các nền nghệ thuật đương đại của bạn bè quốc tế. Đồng thời, Festival Huế cũng mang tính nhân văn, người dân có quyền lợi, trách nhiệm được hưởng thụ từ những lợi ích văn hóa.

Festival Huế 2014 sẽ có các sự kiện, như lễ khai mạc và bế mạc, đêm Hoàng cung, lễ hội Áo dài, nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse… Ngoài ra, còn có các lễ hội cộng đồng, như hương xưa làng cổ, lễ hội cầu ngư “Phong Hải biển nhớ” (Phong Điền), chợ quê ngày hội (Hương Thủy)...

Trong đó, các chương trình nghệ thuật của các đoàn quốc tế không chỉ biểu diễn tại các điểm sân khấu, mà còn về biểu diễn tại các huyện, thị xã; biểu diễn trên đường phố để thu hút người dân cùng hòa nhập.

Là sự kiện diễn ra định kỳ 2 năm một lần, Festival Huế 2014 có sự thay đổi nào để du khách tìm thấy sự mới lạ?

Muốn thu hút du khách, Festival Huế phải luôn luôn mới, trên nền tảng văn hóa truyền thống của xứ Cố đô nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung.

Do đó, Festival Huế 2014 sẽ diễn ra với nhiều yếu tố mới, trong một không gian sắc màu rực rỡ, thiết kế độc đáo, mang hơi thở cuộc sống của nhiều vùng miền di sản văn hóa đặc sắc Việt Nam và thế giới.

Ví dụ, lễ hội Áo dài sẽ có hơn 600 mẫu áo dài của 18 nhà thiết kế trẻ thể hiện phong cách đặc trưng của nhiều địa phương trong cả nước.

Đêm Hoàng Cung sẽ tái hiện Đại Nội về đêm, gợi lại một tổ hợp không gian lịch sử với các hoạt động văn hóa ẩm thực sâu sắc của Huế, như yến tiệc Hoàng cung tái hiện hương vị ẩm thực cung đình Huế… Đặc biệt, trong dịp này, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3 cũng sẽ được tổ chức tại Huế, chắc chắn càng tạo thêm dấu ấn hội tụ văn hóa truyền thống đặc sắc của các nước.

Festival Huế 2014 diễn ra liên tục trong 9 ngày. Làm thế nào để người dân tham gia các chương trình này?

Đối với nghệ thuật, mỗi người có một xu hướng hưởng thụ. Có người thích nhạc dân tộc, có người thích nhạc hiện đại, người thích điêu khắc, người thích hội họa…, Ban Tổ chức có sự sắp xếp một cách hợp lý để người dân và du khách lựa chọn.

Chúng tôi quan tâm tạo ra các không gian phù hợp với từng lứa tuổi. Có Festival “Sắc màu tuổi thơ” gắn liền với bóng đá cộng đồng, bóng đá vui của thiếu nhi Thành phố. Có hội họa, có thi ca. Bên ngoài đường phố, có lễ hội đường phố rất đặc sắc, đoàn cà kheo lần này trở lại, rồi âm nhạc Brazil, lễ nhạc đường phố của châu Á, của châu Âu… Tất cả sẽ làm cho đường phố Huế trong những ngày diễn ra Festival hết sức tưng bừng, hấp dẫn đa sắc màu.

Festival đã là một thương hiệu đặc biệt của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này sẽ tác động thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thưa ông?

Festival Huế mang lại hiệu quả một cách toàn diện, kể cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và cả xã hội. Trong đó, tạo nên những điểm ấn tượng để hấp dẫn du khách đến, thúc đẩy phát triển du lịch… Khi du lịch phát triển, sẽ kéo theo cả một loạt ngành kinh tế trên lĩnh vực dịch vụ phát triển theo.

Từ đó, chuyển đổi cơ cấu của tỉnh Thừa Thiên Huế từ công nghiệp, dịch vụ - du lịch - nông nghiệp sang cơ cấu kinh tế dịch vụ, trong đó du lịch là kinh tế mũi nhọn.

Thừa Thiên Huế đã và sẽ làm gì để mang lại một Festival an toàn, thân thiện và ấn tượng trong lòng du khách?

Chúng tôi quan tâm thiết thực đến việc chấn chỉnh môi trường du lịch Huế, với các hành động mạnh mẽ, như xử lý tình trạng ăn xin, tranh giành đeo bám, “chặt chém” du khách, yêu cầu các đơn vị công khai giá khách sạn và dịch vụ...

Ngoài ra, để nâng cao nhận thức và cung cách phục vụ du khách, các đơn vị du lịch tại địa phương đã tập huấn cho những nhân viên và các tình nguyện viên. Hiện chúng tôi có hơn 350 tình nguyện viên Festival Huế, sẵn sàng hỗ trợ du khách tại các đầu mối tụ điểm du lịch. Tôi khẳng định, môi trường du lịch Huế trong Festival 2014 sẽ rất an toàn và tích cực, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan