Dư thừa tới 26 triệu tấn, tồn kho xi măng thành ám ảnh

Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ xi măng trong nước đạt 24,5 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ 2016, nhưng với quy mô công suất ngành lên tới 86 triệu tấn/năm thì đầu ra vẫn là mối lo lớn.

Dư thừa 26 triệu tấn

Theo công bố của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng công suất ngành xi măng tính đến thời điểm này đã lên tới 86 triệu tấn, trong khi khả năng hấp thụ của thị trường nội địa cả năm dự kiến chỉ khoảng 60 triệu tấn, thì 26 triệu tấn xi măng còn lại phải cậy nhờ tiêu thụ qua xuất khẩu.

Dư thừa tới 26 triệu tấn, tồn kho xi măng thành ám ảnh ảnh 1

Ngành xi măng đang đau đầu lo tiêu thụ bởi dư thừa công suất. Trong ảnh: Nhà máy Xi măng Hải Phòng. 

Sở hữu 8 doanh nghiệp thành viên chuyên sản xuất xi măng, cộng thêm 2 đơn vị mới nhận về là Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang oằn mình lo tiêu thụ trong bối cảnh dư cung lớn như hiện nay.

Tính đến hết tháng 5/2017, Vicem đang có lượng xi măng và clinker tồn kho vào khoảng 1,4 triệu tấn, tương đương hơn 30 ngày sản xuất.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem cho viết, điều kiện tốt nhất cho tồn kho đối với Vicem là 20 ngày sản xuất, tương đương 800.000 - 1 triệu tấn, vừa đủ để dự phòng cho sự cố máy móc.

Lượng clinker, xi măng tồn trong kho của Vicem cho thấy một bức tranh khá tối màu, dù nhà sản xuất này có tiếng trên thị trường với thương hiệu và thị phần chiếm gần 35%.

Tổng công suất ngành xi măng tính đến thời điểm này đã lên tới 86 triệu tấn, trong khi khả năng hấp thụ của thị trường nội địa cả năm dự kiến chỉ khoảng 60 triệu tấn.

Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường xi măng được bổ sung thêm khoảng 6-7 triệu tấn của các nhà máy mới đi vào hoạt động như Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Xi măng Sông Lam (Nghệ An)… khiến việc tiêu thụ nội địa không chỉ với riêng Vicem, mà với tất cả các nhà sản xuất xi măng khác đều không tránh khỏi chật vật.

“Nhu cầu tiêu dùng xi măng nội địa dự kiến chỉ tăng 7-8% trong năm 2017, nhưng trong bối cảnh có thêm vài triệu tấn từ các nhà máy mới được bổ sung ra thị trường, mà xi măng đã sản xuất ra kiểu gì cũng phải bán, dù hạ giá, để doanh nghiệp còn quay vòng vốn, đã gây ra xáo trộn không nhỏ trên thị trường”, ông Khải cho biết thêm.

Trong số 10 doanh nghiệp thành viên Vicem, tiêu thụ vất vả nhất thuộc về các doanh nghiệp gần khu vực miền Trung, như Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, do việc bổ sung nguồn cung từ cuối năm 2016 đều tập trung tại khu vực này.

Theo đại diện Vicem, tiêu thụ xi măng tại miền Trung tăng không đáng kể. Điển hình như Nghệ An, chỉ tiêu thụ khoảng 1,5 - 2 triệu tấn, nhưng chỉ riêng 1 nhà máy mới đưa vào hoạt động tại địa phương này đã có công suất 4 triệu tấn, chưa kể các nhà máy xi măng đã đóng đô từ trước đó.

Xuất khẩu tăng nhưng giá giảm

Lối thoát cho sản lượng xi măng dư thừa lớn là con đường xuất khẩu. Thuận lợi cho ngành xi măng là tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay duy trì được mức tăng trưởng dương về sản lượng và trị giá so với cùng kỳ 2016, nhưng so với thời điểm 2014, mức giá xuất khẩu hiện giờ rớt mạnh.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, trị giá 288 triệu USD. Xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 5/2017 đã tăng 16,6% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai, doanh nghiệp có Nhà máy Xi măng Sông Lam (giai đoạn I mới đưa vào hoạt động có công suất 4 triệu tấn) cho biết, giá xuất khẩu xi măng, clinker đang giảm mạnh. Hiện, giá xuất khẩu FOB clinker ở quanh mức 29 - 30 USD/tấn, giảm 25% so với năm 2014, xi măng giảm còn 45 - 50 USD/tấn so với mức 55 - 60 USD/tấn.

Năm 2014, giá xuất khẩu FOB clinker từ 38 - 40 USD/tấn, xi măng trên dưới 60 USD/tấn, bắt đầu giảm từ năm 2015 đến nay.

Xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục từ năm 2010 đến năm 2014, với đỉnh cao năm 2014 xấp xỉ 20 triệu tấn xi măng và clinker, doanh thu gần 1 tỷ USD, đứng nhất nhì trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, 2 năm 2015 - 2016 thì sản lượng xuất khẩu xi măng chỉ còn 16,2 triệu tấn và 14,7 triệu tấn.

5 tháng đầu năm 2017, dù xuất khẩu đã nhích lên cả về sản lượng lẫn giá, nhưng chưa thể nói trước về tương lai từ nay đến hết năm, do cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc, Iran, Pakistan, Thái Lan, vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá xuất khẩu clinker, xi măng của Việt Nam và các nước trong khu vực chỉ chênh nhau từ 0,5 - 1 USD/tấn.n

Đáng nói là, kể từ khi áp dụng Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP, mỗi tấn clinker và xi măng xuất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 - 7 USD/tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải oằn mình bù lỗ để giữ thị trường và uy tín với bạn hàng, đặc biệt với những thị trường và bạn hàng đã ký kết hợp đồng dài hạn.

Tin bài liên quan