Có chuyện “lời thật, lỗ giả” ở Đồng Nai

Có chuyện “lời thật, lỗ giả” ở Đồng Nai

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình hình quản lý, nộp thuế của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Thưa ông, Đồng Nai là địa phương có nhiều dự án FDI và cũng có nhiều dự án FDI quy mô lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, có nhiều DN, trong đó có hàng chục DN FDI quy mô lớn có báo cáo kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Ông có thể thông tin chi tiết hơn về vấn đề này?

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai quản lý 999 DN FDI. Tính đến hết 11 tháng năm nay, các DN FDI đã nộp thuế vượt 11% so với dự toán pháp lệnh, tạo được nhiều việc làm cho người lao động... Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều DN FDI có số lỗ liên tục nhiều năm. Cụ thể, ở Phòng kiểm tra số 1, có 2 DN có số lỗ 1 năm, 6 DN có số lỗ 2 năm và 5 DN có số lỗ liên tục 3 năm gần đây. Ở Phòng kiểm tra số 2, có 261 DN có số lỗ liên tục 4 năm gần đây.

Nhiều DN FDI lớn như Suzuki, Toshiba, Posco VST, Nestle, Kao… thua lỗ trong phần lớn thời gian hoạt động tại Việt Nam, nhưng nhìn vào việc họ bán hàng, phát triển hệ thống mạng lưới… thì khó tin là họ có thể thua lỗ. Ông có bình luận gì về thực tế này? Có hay không việc “lời thật, lỗ giả” ở những DN này và liệu vấn đề chuyển giá có được đặt ra ở đây?

Theo những thông tin mà Cục Thuế tỉnh Đồng Nai có thì Suzuki là DN sản xuất xe máy và xe hơi, nên việc thua lỗ là có thể; Posco VST là DN sản xuất mặt hàng inox, DN này trình bày thua lỗ là do cạnh tranh của các DN bán phá giá; Kao, Toshiba là các DN sản xuất mặt hàng nhiều cạnh tranh... Nói chung, vì nhiều lý do, các DN đều sản xuất chưa hết công suất, chi phí quản lý lớn dẫn đến thua lỗ.

Vì sao thua lỗ và liên tục như vậy mà nhiều DN vẫn đang mở rộng đầu tư? Theo chúng tôi, việc sản xuất ra sản phẩm như thế nào cho tốt, giá thành thấp mà lại được thị trường chấp nhận là một cuộc chiến cam go, không hề đơn giản. Chính vì vậy, có nhiều DN thực sự thua lỗ, nhưng đã lỡ đầu tư thì cũng cố gắng “cựa mình” để phấn đấu vượt lên.

Và thực tế, cũng đã có DN vượt lên được, như Nestle đã có lãi được 6 - 7 năm, nộp ngân sách hơn 350 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không thể không nghĩ rằng, có việc “lời thật, lỗ giả” hoặc chuyển giá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các DN tự khai các giao dịch liên kết và tự điều chỉnh doanh thu (nếu có). Thực tế đã có những DN tăng doanh thu từ việc kê khai và tính lại doanh thu từ các giao dịch liên kết. Ngoài ra, chúng tôi đang thành lập các đội thanh tra chống chuyển giá trên địa bàn.

Ông có thể thông tin chi tiết hơn về tình hình các DN FDI ở Đồng Nai có các vi phạm pháp luật về thuế, như không thực hiện kê khai thuế, bỏ địa điểm đăng ký kinh doanh đã thông báo với ngành thuế…? Tỉnh Đồng Nai có biện pháp gì để chống thất thu thuế mà vẫn đảm bảo tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để DN FDI yên tâm sản xuất - kinh doanh?

Một số DN FDI có vi phạm pháp luật về thuế, tuy nhiên với các mức độ khác nhau. Việc mất hóa đơn, kê khai thuế sai sót... diễn ra thường xuyên. Khi cơ quan thuế kiểm tra cũng thường phát hiện nhiều hành vi khai sai, dẫn đến truy thu thuế và phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Việc bỏ địa điểm kinh doanh cũng có xảy ra. Riêng đối với các DN FDI, Cục Thuế có sự hỗ trợ của Ban Quản lý các khu công nghiệp để xác định các DN bỏ địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, việc giải quyết các DN này một cách rốt ráo vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Để chống thất thu mà vẫn bảo đảm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các DN FDI yên tâm sản xuất - kinh doanh, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật này đến các DN, hỗ trợ DN giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về thuế; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những DN có sai phạm...

Tin bài liên quan