Chỉ 3% người tiêu dùng ở Việt Nam mua hàng trực tiếp từ trang web của nhà sản xuất

Chỉ 3% người tiêu dùng ở Việt Nam mua hàng trực tiếp từ trang web của nhà sản xuất

(ĐTCK) KPMG International đã phát hành một báo cáo chuyên đề về hành vi và sở thích mua hàng trực tuyến của hơn 18.000 người tiêu dùng tại 51 quốc gia, dựa trên phân loại địa lý, thế hệ và sản phẩm.

Theo đó, tại Đông Nam Á, 18% người tiêu dùng ở Việt Nam và Campuchia mua hàng từ những trang bán lẻ trực tuyến (như các trang Amazon, Lazada, Nhommua...), 10% mua hàng từ trang web của cửa hàng bán lẻ, chỉ có 3% mua trực tiếp từ trang web của nhà sản xuất hoặc nhãn hàng.

Nhìn chung, người tiêu dùng thường có xu hướng tin tưởng những thông tin và những nhận xét trực tuyến. Khi được hỏi sẽ cân nhắc điều gì khi thực hiện việc mua hàng, 9,9% quan tâm đến các nhận xét trực tuyến, 9,8% cân nhắc tới thương hiệu và chỉ 0,2% quan tâm đến các chương trình khuyến mãi đi kèm.

Chong Kwang Puay, Phó tổng giám đốc và Trưởng bộ phận Thị trường tiêu dùng của KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, hoạt động mua sắm trực tuyến đang dần trở nên thịnh hành hơn và đã tạo ra nhiều chuyển biến đáng kể tại các quốc gia phát triển.

Với sự phổ biến của Internet, Việt Nam sẽ chịu tác động của xu hướng này trong một thời gian ngắn tới. Tất cả các hoạt động, của chuỗi cung ứng, kênh phân phối và bán lẻ, kênh tiếp thị, quản lý kinh doanh… đều sẽ cần được đánh giá lại tính hiệu quả trước thực tế mới này.

Theo báo cáo của KPMG, những người tham gia trả lời khảo sát cho biết, số lượng các giao dịch trực tuyến nằm trong khoảng 17 giao dịch mỗi năm hoặc 1,25 giao dịch mỗi tháng.

Người tiêu dùng Thế hệ Gen X (sinh từ năm 1966 đến 1981) có trung bình 19 giao dịch/người/năm, và trong 12 tháng qua đã thực hiện nhiều giao dịch trực tuyến hơn người tiêu dùng thuộc bất kì nhóm tuổi nào khác. Trên thực tế, người tiêu dùng thế hệ X thực hiện giao dịch nhiều hơn 20% thế hệ am hiểu công nghệ Millennials (sinh từ năm 1982 đến 2001).

John Ditty, Phó tổng giám đốc, Trưởng bộ phận Tư vấn của KPMG ở Việt Nam và Campuchia lưu ý, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là mức thu nhập của người tiêu dùng có ảnh hưởng quan trọng đến hành vi mua sắm của họ. Người tiêu dùng thuộc Thế hệ Gen X, nhìn chung, đang ở độ chín muồi hơn trong sự nghiệp, do vậy sức mua sắm của họ cũng lớn hơn những người trẻ ở thế hệ Millenials.

Những người thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh từ năm 1946 đến 1965) vốn thường được cho là ít mua hàng trực tuyến so với các thế hệ trẻ hơn. Nhưng trên thực tế, khảo sát của KPMG cho thấy, họ mua hàng trực tuyến cũng thường xuyên như thế hệ Millenials.

Không chỉ vậy, thế hệ Baby Bommers còn sẵn sàng chi nhiều hơn cho một giao dịch so với những người tiêu dùng trẻ khác (số tiền trung bình thế hệ Baby Boomers chi cho mỗi giao dịch mua sắm là 203 USD, so với 190 USD của thế hệ Gen X và 173 USD của thế hệ Millennials).

Tin bài liên quan