Chấn chỉnh quản lý hàng không sẽ đi về đâu?

Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng có sự chỉ đạo mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh những bất cập trong vận tải hàng không, đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.
Chấn chỉnh quản lý hàng không sẽ đi về đâu?

Trước hết, đó là việc yêu cầu Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng chậm/hủy chuyến bay đột ngột tăng cao thời gian qua.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ chậm chuyến, dồn, hủy chuyến bay nội địa tại Việt Nam đã cao hơn nhiều lần so với mức bình quân của khu vực và thế giới. Đây thực sự là vấn nạn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hàng không dân dụng hiện nay.

Việc các hãng hàng không trong nước liên tục chậm, hủy chuyến cũng ảnh hưởng rất lớn, từng bị hành khách phản ứng gay gắt. Thế nhưng, sau lời “xin lỗi”, các chuyến bay bị chậm/hủy chuyến cứ lặp đi lặp lại, thậm chí có xu hướng tệ hơn. Chính sự gia tăng đột biến tỷ lệ chậm/hủy chuyến (lên tới 25%, thậm chí có hãng còn lên tới trên 40%) này đã xóa nhòa nỗ lực của Bộ Giao thông - Vận tải và của chính các hãng hàng không nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.            

Ngoài những lỗi chủ quan của một số hãng hàng không như phát triển quá nóng; có hiện tượng dồn chuyến để tăng lợi nhuận; dùng tiểu xảo để cạnh tranh không lành mạnh… còn có nguyên nhân từ sự bàng quan, vô cảm của chính cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Hàng không Việt Nam; các tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) không coi đó là việc bình thường, mà tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý mạnh tay, thì chắc chắn, “tư lệnh” ngành giao thông - vận tải đã không bị muối mặt xấu hổ khi phải liên tục xin lỗi hành khách.

Thực ra, tình trạng chậm/hủy chuyến chỉ là một trong những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về hàng không. Để giải quyết những bất cập trên, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, đã đến lúc Bộ Giao thông - Vận tải phải nhanh chóng rà soát những tồn tại, bất cập để sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ hàng không, khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chế tài xử lý…

Về phía doanh nghiệp vận tải, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, các hãng cũng cần quan tâm đảm bảo lợi ích, chất lượng dịch vụ khách hàng để từ đó tính toán mục tiêu, lợi ích lâu dài, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy vậy, không dễ giải bài toán “đúng giờ”, hay nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam, bởi công tác này cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, quản lý bay và của cả hành khách, chứ không chỉ riêng các hãng hàng không.

Thứ hai, những chỉ đạo nhằm tăng cường đảm bảo an toàn bay cũng được dư luận hết sức quan tâm, ủng hộ. Theo đó mới có việc, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đình chỉ nhân viên liên quan đến sự cố máy bay Jetstar Pacific suýt va chạm máy bay của Vietnam Airlines hôm 27/6 tại Sân bay Đà Nẵng; yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xử lý trách nhiệm lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Trung, báo cáo kết quả trước ngày 15/8. Đó còn là việc, Cục Hàng không Việt Nam ngày 15/7 đã tổ chức đoàn thị sát công tác kiểm tra, giám sát an ninh, an toàn hàng không trên một loạt tuyến bay. 

Hàng không Việt Nam rất cần được cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Quá trình này nên bắt đầu từ công việc nhỏ như bay đi/đến đúng giờ; thực hiện nghiêm phương châm 4 xin: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và 4 luôn: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”… Nếu không, hàng không Việt Nam rất dễ bị mất “sân nhà” nhất là khi việc thực thi chính sách “Bầu trời mở ASEAN” đang tới rất gần.

Tin bài liên quan