Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Ăn tết trời Nam, nhớ Xuân đất Bắc

(ĐTCK) Đã qua rồi 3 cái Tết trời Nam với sắc vàng nhuốm từng con phố nhỏ, sao vẫn chưa nguôi cảm giác nhớ Xuân đất Bắc - nơi cái rét ngọt ngào thấm vào da thịt. Dẫu mỗi sáng mai thức dậy vẫn có chút se lạnh, mong mỏi mưa xuân để vơi đi nỗi nhớ, nhưng trời Nam vẫn trong xanh với mây trắng, nắng vàng.

Tết Nam thường đến muộn hơn trong lòng những người con đất Bắc xa quê. Thay vì “bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ”, nhiều người phương Nam chuẩn bị cho những chuyến du lịch dài ngày. Dù vậy, du lịch là món hàng xa xỉ dành cho gia đình khá giả lại “máu” đi chơi, phần còn lại thì “nhậu, nhậu, nhậu” được mặc định là thú vui ngày tết. Năm nào cũng vậy, chiều 30 khắp các ngõ phố không kể giàu nghèo “tưng bừng” trên dưới chục mâm cỗ đón giao thừa. Riêng mục nhậu chung đã có ban bệ lo toan từ trước, chẳng cần cúng bái, lễ nghi quá khắt khe như Tết Bắc, chỉ “zô, zô, zô” là chính. Nhiều khu phố còn dựng cả sân khấu thuê ca sĩ nghiệp dư về nhảy múa hát ca cho đến tàn canh. Đừng ngạc nhiên khi trong không khí giao thừa lại “ngày mai hai đứa xa nhau thật rồi…” hay “em là ai đi qua chốn này, còn anh là ai trong cuộc đời em đó…”.

Người Nam không quan trọng lắm việc xông đất đầu năm, còn người Bắc thì khác. Chẳng thế mà khi còn ở ngoài Bắc, có lần vợ chồng tôi rủ nhau xem bắn pháo hoa, lúc về gần đến nhà lại chưa được các cụ cho vào vì tuổi cả hai đều không hợp, đành co ro hơn tiếng đồng hồ trong cái lạnh tê người. Giờ thì một mình ở nhà bày cỗ cúng, khoảng thời gian hiếm hoi để mà hồi tưởng và lát nữa thôi, khi tàn cuộc nhậu ngoài ngõ đã có ông chồng năm nào cũng “ngoắc cần câu” lảo đảo về nhà xông đất.

Sáng mồng Một Tết, hàng xóm chuẩn bị du lịch dài ngày vội đưa cho nhà ở lại chùm chìa khóa với lời dặn “bác hạ đồ cúng xuống dùng không uổng, nhà em đi tuần nữa mới về”. Gia đình nào ở lại thì chuẩn bị cho “kế hoạch” nhậu dài kỳ. Nhậu thường được bố trí ở 1 gia đình, chủ nhà chuẩn bị món chính, còn ai có gì mới, ngon, là lạ thì “cắp” đến. Trong khi các ông hò “zô”, các bà tha hồ tán chuyện, còn lũ trẻ thì chơi cho đến đói lử, mệt nhoài.

Ra đường dễ nhận thấy hình ảnh các ông đã “tây tây”, “sừng sừng”, nhưng vẫn dắt theo chai rượu hay thùng bia để nhậu tiếp. Thời đại công nghệ nên người đi hay ở đều kết nối với nhau bằng chụp hình “quẳng lên phây”. Bên trời Ta hay Tây, đội đi du lịch hơn hớn với đủ loại tư thế, còn đội ở nhà thì tưng bừng bên bàn nhậu.

Trong nắng vàng hanh hao cùng mai vàng và cúc vạn thọ trên đất Nam, dòng hồi tưởng như chợt đưa ta đến với khí Xuân đất Bắc. Tết Bắc đến sớm hơn, ấy là trong cái rét ngọt ngào vương vấn mưa Xuân ướt nhẹp trên khắp đường làng, ngõ phố dễ nhận thấy màu hồng của hoa đào cùng đủ các loài hoa trong sắc tím, vàng, đỏ. Nhâm nhi ly rượu bên người thân với bánh chưng, dưa hành, thịt đông và kể cho nhau nghe chuyện ngày còn bé.

Ngày đó, cứ Tết là đại gia đình nhà tôi tập trung ở nhà nội. Đêm giao thừa, nghe đì đẹt tiếng pháo là cả lũ 6 đứa trẻ bọn tôi vùng ra khỏi chăn để ăn gà cúng và thử quần áo mới. Hít hà mùi vải trên cái áo mẹ khâu vội còn chưa kịp giặt, tay lăm lăm cái đùi gà vì sợ đứa khác giành mất, cảm giác đó sao thân thương đến nao lòng. Sau này, khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi khát khao ngày tết nữa thì thăm thú bà con nội ngoại, chòm xóm vẫn là niềm vui không tả thành lời. Rồi cảm giác thức chong chong bên nồi bánh chưng, nhận hơi ấm từ bếp than củi đỏ quạnh, râm ran đủ chuyện trên đời.

Với những người xa quê thì Tết quê luôn là một cái gì đó rất thiêng liêng. Quê tôi vốn vùng đồng chiêm trũng đã một phần đô thị hóa từ “phong trào” bán đất, đổi đất lấy hạ tầng. Năm nào xã cũng tổ chức thi đấu thể thao, năm thì bóng đá, năm thì bóng chuyền. Còn nhớ, có năm thi cầu lông, vận động viên ra sân còn chưa rõ luật. Nghe tiếng “cắc”, trọng tài là anh bí thư đoàn xử cho đội bạn được phát cầu với lời giải thích: “cắc rồi, chuyển phát cầu cho đội xóm X…”, lập tức cả người thi đấu và cổ động viên xóm X nhao nhao “cắc với tùng cái gì, thiên vị, qua lưới là được, có phải thi đấu chuyên nghiệp đâu mà lắm chuyện…”. Mặc cho anh trọng tài nghiệp dư giải thích, sau một hồi cả hai đội đi đến thống nhất “qua lưới là được, không tính tùng cắc gì hết”. Xong trận, cả hai đội đều hỉ hả, thắng thua đã không còn là vấn đề. Trọng tài lẩm bẩm “năm nào cũng bẻ luật”.

Tết này, trời Nam thiếu đi không khí “bẻ luật” ở quê, lần đầu tiên trong cuộc đời không còn thấy biển xanh, cát trắng, nắng vàng thôi thúc nữa. Khu nghỉ mát mà tôi phải dành dụm tiền trong 3 năm mới dám đặt chân đến dường như trở nên nhạt nhẽo, vô vị đến lạ lùng. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan