Đây là hoạt động trong chuỗi hội thảo, hội nghị, chuyên đề do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức nhằm giới thiệu mô hình khung pháp lý dự kiến cho TTCK phái sinh và lấy ý kiến góp ý của các thành viên thị trường. Đây cũng là kênh phổ biến, tuyên truyền về cấu trúc sản phẩm, cách vận dụng sản phẩm phái sinh.
Áp dụng tiêu chuẩn châu Âu
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCK cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, UBCK đã tham khảo mô hình tổ chức, cách thức giao dịch TTCK phái sinh của nhiều nước như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Theo đó, TTCK phái sinh tại Việt Nam sẽ được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị thuộc Sở GDCK. Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình bù trừ đối tác trung tâm (CCP) được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị trực thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
CCP sẽ áp dụng tiêu chuẩn European Market Infrastructure Regulation (EMIR) của châu Âu, cho phép CCP quản lý thành viên dưới dạng hệ thống tài khoản tổng, nhưng bóc tách tới từng tiểu khoản, đồng thời cho phép CCP cung cấp dịch vụ quản lý tới từng tài khoản khách hàng, cung cấp dịch vụ quản trị các tài sản ký quỹ. Các thành viên tham gia CPP nhằm mục đích quản lý rủi ro theo từng cấp. Thành viên bù trừ (TVBT) quản lý rủi ro của khách hàng, Trung tâm CCP quản lý rủi ro của TVBT.
Tiêu chuẩn cao đối với CTCK
Có 2 loại thành viên giao dịch trên TTCK phái sinh, gồm CTCK (thành viên giao dịch) và các ngân hàng thương mại (thành viên giao dịch đặc biệt) được UBCK chấp thuận và đáp ứng được các yêu cầu nhất định.
ông Long, mô hình giao dịch của thị trường 2 thành viên là mô hình chuẩn, được áp dụng tại tất cả các thị trường phái sinh.
Mặc dù TTCK phái sinh được phát triển từ lâu tại nhiều nước, nhưng kiến thức về thị trường này vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Do đó, khi xây dựng khung pháp lý, UBCK đặc biệt lưu ý tới yếu tố rủi ro, đảm bảo nguyên tắc thận trọng để khi đi vào thực tiễn có thể hỗ trợ thị trường vận hành an toàn, hiệu quả. Điều này được thể hiện khá rõ trong dự thảo điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Cụ thể, CTCK thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng trở lên, đối với CTCK thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, mức vốn này là từ 700 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh phải là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng.
Ông Long cho hay, UBCK đã “cắt lớp” nhóm CTCK hiện nay để đặt ra điều kiện về vốn điều lệ như trên nhằm lựa chọn được các CTCK tham gia TTCK phái sinh đảm bảo 2 mục tiêu: bao phủ lượng khách hàng tham gia và năng lực tài chính đảm bảo thanh toán. TVBT còn đóng góp một khoản rất lớn vào trung tâm bù trừ nên cần đặt ra tiêu chuẩn cao về năng lực tài chính.
Theo thống kê, trong 80 CTCK thì 15 - 20 công ty chiếm hầu hết thị phần, do vậy chỉ cần những công ty này cũng đã bao phủ đủ rộng diện khách hàng đang có. Ngoài ra, trong các CTCK Top đầu này, có một số công ty vừa có khách hàng lớn, vừa có năng lực tài chính, đáp ứng được tiêu chuẩm là thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh.
Sự ra đời của TTCK phái sinh sẽ đặt các CTCK trước một cuộc cạnh tranh gắt gao. Bởi theo kinh nghiệm tại các nước, quy mô chứng khoán phái sinh và tài sản cơ sở là tương đương, vì bản chất của TTCK phái sinh là phòng ngừa rủi ro.
Chẳng hạn, tại Ba Lan (thị trường phái sinh lớn thứ 5 của châu Âu), tổng thị trường trái phiếu và cổ phiếu vào khoảng 400 tỷ EUR, nhưng TTCK phái sinh dù mới triển khai cũng đạt xấp xỉ 200 tỷ EUR. Với xu hướng như vậy, khi TTCK phái sinh hình thành sẽ tạo cơ hội tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho các CTCK là thành viên giao dịch.
Định hướng sản phẩm
Về định hướng sản phẩm, ông Long cho biết, các sản phẩm đưa vào giao dịch trên TTCK phái sinh sẽ được lựa chọn và triển khai theo lộ trình, từ đơn giản đến phức tạp. Trước mắt, tập trung phát triển và thúc đẩy các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu cho công tác quản trị rủi ro. Dù sản phẩm chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa, nhưng tính đòn bẩy rất cao, có thể bị đầu cơ.
Theo thông lệ quốc tế, có 4 sản phẩm phái sinh: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn. Trong đó, hợp đồng tương lai là đơn giản và có mục đích phòng ngừa rủi ro là chính. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) trước.
Không ít ý kiến băn khoăn, biên độ dao động giá TPCP không lớn như cổ phiếu, chọn hợp đồng tương lai TPCP là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên liệu có phù hợp?
Ông Long cho rằng, quan trọng là các Sở GDCK sẽ lựa chọn kỳ hạn nào của TPCP để thiết kế hợp đồng tương lai tương ứng. Các Sở GDCK có thể thiết kế những hợp đồng tương lai TPCP không nhất thiết là loại đang giao dịch, mà có thể là loại thiết kế lý thuyết, tức một dạng trái phiếu ảo.
“HNX sẽ cho ra mắt hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và TPCP”
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Nếu phân tích theo thị trường tập trung và thị trường OTC, thì trên thị trường OTC chủ yếu giao dịch hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hoán đổi. Đặc điểm chung là nội dung hợp đồng thường do hai bên mua và bán thoả thuận với nhau nên khả năng mất thanh toán rất cao. Với thị trường tập trung, các sản phẩm chủ yếu là hợp đồng tương lai, quyền chọn, hoán đổi, nhưng đều được chuẩn hoá các nội dung trong điều khoản hợp đồng. Nhờ giao dịch tập trung, thanh toán qua trung tâm lưu ký nên khả năng mất thanh toán được đảm bảo tối đa cho các bên giao dịch.
Số liệu giao dịch TTCK phái sinh trên thế giới giai đoạn 2004 - 2006 cho thấy, giao dịch hợp đồng tương lai chiếm xấp xỉ 1/3 so với hợp đồng quyền chọn. Giai đoạn 2011 - 2013, tỷ lệ này tương đương nhau; trong đó, năm 2013, giao dịch hợp đồng tương lai nhỉnh hơn so với hợp đồng quyền chọn. Bên cạnh đó, các sản phẩm được giới thiệu trên TTCK phái sinh các nước đầu tiên thường là hợp đồng tương lai chỉ số, chẳng hạn sản phẩm trên S&P500, KOSPI 200, Nikkei 225… đều rất thành công. Trên cơ sở đó, HNX thực hiện 2 loại chứng khoán để giới thiệu đầu tiên trên thị trường là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai TPCP. Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu có tài sản cơ sở là các cổ phiếu có tính đại diện cao, thanh khoản tốt. Hợp đồng tương lai TPCP sẽ lựa chọn kỳ hạn từ 3 - 5 năm. Trong thời gian qua, TPCP kỳ hạn 3 năm có tính thanh khoản cao và nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển giao dịch từ trái phiếu kỳ hạn 5 năm xuống kỳ hạn 3 năm. “Kinh nghiệm TTCK phái sinh Singapore”
Ông Bala Krishman, Phó giám đốc phụ trách chứng khoán phái sinh CTCK MayBank KimEng Singapore TTCK phái sinh Singapore hiện có gần đầy đủ những dạng hợp đồng tương lai phổ biến nhất đang có trên thế giới, hợp đồng tương lai nhiều nhất dựa trên chỉ số cổ phiếu, vàng, năng lượng và không có nhiều hợp đồng tương lai cho các mặt hàng nông sản. Trong đó, hợp đồng tương lai vàng và các loại tiền tệ mới được Sở GDCK Singapore (SGX) giới thiệu. Hợp đồng tương lai có những đặc điểm phù hợp với 2 đối tượng nhà đầu tư, với những nhà đầu cơ thì dùng hợp đồng tương lai để tìm kiếm lợi nhuận, còn với những nhà tự bảo hiểm (hedger) và MBKE thì mục đích sử dụng hợp đồng tương lai là để quản trị rủi ro. Trên SGX, Trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing house) có 3 chu kỳ/ngày, chu kỳ đầu tiên bắt đầu lúc 5h, tiếp theo là 1h chiều và 5h chiều. Cuối mỗi ngày, các CTCK như MBKE phải báo cáo vị thế mở, các tài khoản được mở, vị thế mua bán từ các hợp đồng nước ngoài với Clearing house, đồng thời hàng tuần, hàng tháng phải gửi báo cáo cho trung tâm này thông qua hệ thống điện tử. Các hợp đồng tương lai sẽ được xử lý về giá cuối ngày và Clearing house sẽ xét lại margin đối với từng thành viên. Về mức ký quỹ, Clearing house đưa ra mức ký quỹ ban đầu đối với các thành viên, các thành viên yêu cầu NĐT đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ban đầu. Thông thường, ký quỹ duy trì sẽ thấp hơn ký quỹ ban đầu. Khi vốn chủ sở hữu của một tài khoản giảm xuống thấp hơn ký quỹ duy trì thì khách hàng sẽ được yêu cầu nộp thêm tài sản vào tài khoản. Trong trường hợp này, nhân viên môi giới của MBKE sẽ thông báo cho NĐT vào lúc 8h sáng (sau khi Clearing house gửi báo cáo vào lúc 7h về vị thế cuối ngày qua, cũng như danh mục tiền của NĐT). Sau đó, NĐT có khoảng 2 ngày để bổ sung khoản ký quỹ duy trì. NĐT có thể ký quỹ bằng tiền mặt và chỉ có thể rút tiền khi có vốn chủ sở hữu cao hơn mức ký quỹ ban đầu. |