Tiết kiệm được 1,6 tỷ USD nếu giảm 1 ngày làm thủ tục thông quan

(ĐTCK) Theo cảm nhận của các DN, việc cải cách thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa mới đang dừng lại mức độ hô hào.
Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Thủ tục vẫn còn nhiêu khê

Thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa, theo đánh giá của cộng đồng DN hiện vẫn còn nhiêu khê và kéo dài, khiến họ tốn nhiều thời gian, cũng như chi phí tuân thủ. Thực trạng này được các DN nêu ra, tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hải quan qua Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO - DN được lợi gì và cần làm gì”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 14/10.

Điều này như một minh chứng cho thực trạng việc cải cách thủ tục thông quan mới phần nhiều dừng lại ở quy định trên… giấy, hơn là được ghi nhận trong thực tế triển khai.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA) của WTO được ký kết cuối năm 2013 và đang trong quá trình triển khai, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những bước cải cách sâu rộng về thủ tục thông quan hàng hóa theo hướng minh bạch hơn, nhằm tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian tuân thủ cho DN…

“Một sự thật đáng tiếc là các DN đang phải tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa…”, ông Phan Vinh Quang, Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) nói và cho biết thêm, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm hiện gần gấp đôi GDP (178% GDP), nên chỉ cần giảm 1 ngày làm thủ tục thông quan, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ USD/năm…

Trong cái nhìn của DN, tạo thuận lợi thương mại, theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại TP. HCM, là đơn giản hóa mạnh hơn thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục hải quan; giảm chi phí tuân thủ cho DN từ 5 - 15%...

Trước thực tế tiến độ cải cách thủ tục thông quan hàng hóa diễn ra chậm, hàng loạt câu hỏi đã được các DN đặt ra. Liệu các loại hóa đơn, chứng từ mà các DN đang phải nộp cho hải quan, cũng như các cơ quan liên quan, có thể được thay thế bằng các loại chứng từ điện tử, để giảm thiểu thời gian, cũng như chi phí tuân thủ cho DN? Thủ tục thông quan hàng hóa hiện kéo dài 21 ngày, lộ trình giảm trong thời gian tới như thế nào?

“Khó nhất là cơ chế phối hợp…”

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan thốt lên như vậy, khi trả lời hàng loạt câu hỏi của cộng đồng DN về khả năng hiện thực hóa các bước cải cách thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Hiện tại, thời gian trung bình để DN hoàn tất thông quan một lô hàng là 21 ngày. Trong đó thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% về thời gian, 72% còn lại phụ thuộc vào các cơ quan khác. Điều này cho thấy nếu chỉ ngành hải quan nỗ lực, thì rất khó đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, mà cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các ngành liên quan”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hiện có sự tham gia của 8 ngành, chịu sự điều chỉnh của 11 luật và 200 văn bản hướng dẫn dưới luật, nên nếu thiếu sự phối hợp hiệu quả của các ngành, thì không chỉ DN, mà cả hải quan cũng gặp khó vì “rừng” văn bản này. Hiện tại, hệ thống dữ liệu của ngành hải quan mới kết nối với hệ thống dữ liệu của Bộ Công thương và Bộ Giao thông - Vận tải, nên việc cải cách thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Các bộ, ngành cần thay đổi cơ chế cấp phép theo hướng điện tử hóa, chứ nếu vẫn yêu cầu DN phải nộp chứng từ theo kiểu văn bản giấy như hiện tại, thì khó đạt mục tiêu cải cách như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cũng như khó đáp ứng các đòi hỏi của Hiệp định TFA.

Tin bài liên quan