Ông Đinh Đức Quang

Ông Đinh Đức Quang

Tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn lợi nhất

(ĐTCK) Tỷ giá tăng, lãi suất giảm, nhưng theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh tiền tệ, Phòng Kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), gửi tiết kiệm bằng tiền đồng hiện tại vẫn là phù hợp nhất.

Ông có cho rằng, đồng Việt Nam đang mất giá?

Không nên kết luận mang tính bi quan về việc tiền đồng đã bị giảm giá nhẹ so với các ngoại tệ mạnh do tỷ giá USD/VND tăng lên trong thời gian vài tháng qua. Chúng ta nên nhìn một cách rộng hơn, tổng quát hơn về giá trị tiền đồng kể từ khi Việt Nam triển khai tái cơ cấu nền kinh tế từ quý IV/2011, với định hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững.

Năm 2012, khi lạm phát cả năm ở mức 6,8%, tiền đồng lại lên giá 1% so với USD. Mức lên giá này còn có thể cao hơn nhiều nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không mua vào một số lượng lớn ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối tại mức giá 20.850 đồng/USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, NHNN tiếp tục mua ròng ngoại tệ, mặc dù cũng đã bán ra để hỗ trợ tỷ giá và thị trường vàng. Theo mức tỷ giá hiện nay là 21.240, tiền đồng đã giảm giá gần 2% so với USD trong bối cảnh nền kinh tế nhập siêu nhẹ, nhưng các nguồn thu ngoại tệ từ đầu tư và kiều hối vẫn dồi dào. Những con số trên cho thấy, giá trị tiền đồng ổn định trong gần hai năm qua so với những biến động lớn và không tích cực trong những năm trước đó.

Chúng ta cũng nên làm quen với việc đồng tiền một quốc gia có những thay đổi giá trị, nhất là so với USD, vì những chuyển biến kinh tế, chính trị, xã hội không ngừng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới. Các đồng tiền chủ chốt khác như euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Úc thường xuyên có các biến động tỷ giá lớn so với USD, với biên độ lên đến 1% chỉ trong 24 giờ giao dịch.

 Tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn lợi nhất ảnh 1

Với mức lãi suất huy động như hiện nay, liệu gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi hơn so với các ngoại tệ khác, theo ông?

Từ những phân tích trên cộng với mức lãi suất tiết kiệm khoảng 7%/năm như hiện nay, gửi tiết kiệm bằng tiền đồng có lợi hơn so với các ngoại tệ khác, đặc biệt là tiết kiệm USD có lãi suất 1,25%/năm. Chênh lệch lãi suất ở đây là gần 3% tính cho 6 tháng cuối năm. Không ai có thể chắc chắn 100% về những diễn biến kinh tế trong 6 tháng cuối năm, nhưng dựa vào các định hướng của nhà điều hành, các dự báo tình hình kinh tế - xã hội, dự báo cung cầu ngoại tệ, thì tiết kiệm bằng tiền đồng hiện tại vẫn là phù hợp nhất.

 

Ông nghĩ thế nào về giá trị đồng Việt Nam so với các ngoại tệ khác trong 6 tháng cuối năm?

Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định niềm tin vào sự ổn định cao của tiền đồng trong năm 2013 và đến nay chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm này cho 6 tháng cuối năm, dựa vào các lý do chính sau:

Thứ nhất, từ quý IV/2011 cho đến nay và trong 6 tháng cuối năm 2013, yếu tố chính chi phối cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn là nguồn thu chi từ hoạt động xuất nhập khẩu. Các yếu tố khác như cung cầu ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài và nhu cầu dân cư có tỷ trọng nhỏ và không ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, chúng tôi nhận định hai yếu tố then chốt là sức cầu nội địa cho hoạt động nhập khẩu và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ không có những thay đổi đáng kể trong 6 tháng cuối năm. Nền kinh tế sẽ tiếp tục tái cơ cấu với tốc độ chậm, nhưng chắc và bền vững.

Thứ hai, không có một chính sách hoàn hảo có thể giúp giải quyết mọi vấn đề kinh tế vĩ mô như giữ lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao, tỷ giá ổn định, thị trường vốn tự do… Đôi khi, thị trường tìm thấy những khe hở của các chính sách điều hành mà NHNN áp dụng, từ đó có sự dịch chuyển cơ cấu, cách thức kinh doanh, tạo ra những con sóng về tỷ giá, lãi suất, làm nhiều người lo lắng. Nhưng quan trọng nhất là những nền tảng cơ bản của thị trường về sức mua, sức tiêu thụ nội địa, nhu cầu đầu tư từ phía từng người dân, DN, năng suất lao động, sức cạnh tranh hàng hóa… chưa thể thay đổi mạnh, nên những con sóng đó chỉ là sóng ngắn, chứ không thể là một xu hướng.

 

Để đồng Việt Nam tiếp tục ổn định và có giá trị hơn, theo ông, cần những biện pháp gì?

Đây là vấn đề mang tầm quốc gia, chứ không của riêng một Bộ, NHNN hay một cơ quan nào. Chúng tôi nghĩ rằng, câu trả lời đã nằm gọn trong các định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, trong các nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành của các Bộ, NHNN, các cơ quan chủ quản. Vấn đề cốt lõi là từng người dân, từng DN, từng cơ quan nhà nước sẽ tận tụy, hết lòng, cống hiến được đến đâu trong công cuộc tái cơ cấu này.