Trong năm 2021, định hướng của ngành ngân hàng là đẩy mạnh cho vay mới để người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn.

Trong năm 2021, định hướng của ngành ngân hàng là đẩy mạnh cho vay mới để người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn.

Tiếp tục mở rộng tín dụng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa...

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội giao là 6%, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa... góp phần nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Năm 2020, chúng ta gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19, nhưng ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế…”. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Nhìn lại năm qua, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội tại hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có sức chống chịu khá cao và là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng dương về GDP bình quân đầu người, đồng thời vẫn kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%.

Về phía ngành ngân hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng dư nợ nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với các năm trước: tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,65% là mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, từ tháng 7, cùng với dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng đã có phần phục hồi. Đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 11,5% so với cuối năm 2019 (năm 2019 tăng 13,65%).

Để có được con số ấn tượng trên trong bối cảnh hiện tại, đâu là các giải pháp mà NHNN tập trung triển khai trong năm 2020?

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 khoảng 6,8% và lạm phát dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2020 khoảng 14%.

Tuy vậy, dựa trên diễn biến tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Cụ thể, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tài chính, nguồn vốn, định hướng mở rộng tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng trưởng dư nợ có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.

NHNN cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kịp thời ban hành Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 với cơ chế rất mạnh, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.

Đến ngày 25/12/2020, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước

Đến ngày 25/12/2020, tất cả các tổ chức tín dụng đã vào cuộc và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền trên 72.500 tỷ đồng.

Thêm vào đó, NHNN đã chủ động phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Trên cơ sở phản ánh của các doanh nghiệp, NHNN đã tiếp thu và đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức tín dụng và khách hàng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 25/12/2020, dư nợ NHCSXH cho vay người sử dụng lao động đạt 27,79 tỷ đồng với 185 khách hàng dư nợ, số người lao động được hỗ trợ là 7.245 lao động.

Các nhà kinh tế có đánh giá tích cực về biện pháp hạ lãi suất điều hành và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của các biện pháp này?

NHNN đã 3 lần liên tục (ngày 17/3/2020, ngày 12/5/2020 và ngày 30/9/2020) điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn, tổng mức giảm khoảng 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, NHNN đã giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên…

Đồng thời, NHNN đã điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với chủ trương của Chính phủ và nhu cầu vốn của tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các tổ chức tín dụng được giữ ổn định để chủ động kiểm soát tiền tệ, phù hợp với diễn biến lạm phát, tình hình nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn của nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cũng không thể không đề cập đến công tác điều hành nghiệp vụ thị trường mở. Trong năm 2020, nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đồng thời chủ động kiểm soát tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, NHNN đã duy trì các phiên chào mua với khối lượng hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng.

Vào một số thời điểm cần thiết, NHNN đã tăng khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở để đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới. CIC đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng trên quy mô lớn; Napas miễn, giảm phí chuyển mạch giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Thực tế đã chứng minh, việc triển khai các giải pháp trên đã có kết quả tích cực. Các tổ chức tín dụng đã vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực… và bước đầu đã phản ánh những cố gắng của toàn ngành ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ, ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tăng trưởng tín dụng trên 11,5% của năm 2020 đã góp phần không nhỏ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm do ảnh hưởng của Covid-19.

Còn thị trường ngoại hối, đây rõ ràng là điểm đáng chú ý khi Việt Nam xuất siêu liên tục 5 năm và nguồn tạo ra thặng dư ngoại tệ rất lớn…?

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng NHNN công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Qua đó, hỗ trợ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giúp giảm nhẹ các cú sốc từ bên ngoài đến nền kinh tế; giữ ổn định tỷ giá VND so với USD, dù tỷ giá USD so các đồng tiền trên thế giới liên tục biến động trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, chính sách điều hành tiền tệ nhiều quốc gia thay đổi.

Đồng thời, ổn định mức độ thanh khoản thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Năm 2021 được nhận định vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Từ phía cơ quan quản lý đã có các giải pháp sẵn sàng đối mặt như thế nào, thưa ông?

Để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội giao là 6%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chỉnh phủ; căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, thứ nhất, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, tập trung vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi kết thúc dịch; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư 01, đẩy mạnh cho vay mới để người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân và hơn thế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận và vay mới nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù theo ngành, lĩnh vực; tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc triển khai các giải pháp này cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo thuận lợi nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính và thị trường.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tạo sức cầu về tín dụng, qua đó tạo điều kiện để các giải pháp, chính sách tín dụng triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đại dịch Covid-19 khiến dư nợ của một số ngành bị ảnh hưởng lớn như vận tải - kho bãi (42% so với dư nợ ngành - 3,6% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), dịch vụ lưu trú - ăn uống (40% so với dư nợ ngành - 3,1% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), khai khoáng (38% so với dư nợ ngành - 1,12% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), công nghiệp chế biến - chế tạo (37% so với dư nợ ngành - 18,7% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), nghệ thuật - vui chơi - giải trí (36% so với dư nợ ngành - 0,6% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), hoạt động dịch vụ khác (34% so với dư nợ ngành - 7,8% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), xây dựng (32% so với dư nợ ngành - 11,4% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), giáo dục - đào tạo (27% so với dư nợ ngành - 0,39% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), y tế (27% so với dư nợ ngành - 0,35% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), bán buôn - bán lẻ (24% so với dư nợ ngành - 18,2% tổng dư nợ bị ảnh hưởng), nông - lâm - thủy sản (22% so với dư nợ ngành - 6,9% tổng dư nợ bị ảnh hưởng).

Tin bài liên quan