“Chưa tương xứng với tính chất chống giặc”
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví chống dịch Covid- 19 như chống giặc, có nghĩa là tình thế rất khẩn cấp. Thế nhưng, những giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp lại chưa đạt được tính chất khẩn cấp tương ứng với mức độ nguy cấp của dịch, nhất là trong bối cảnh nó đang lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu”, Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chia sẻ góc nhìn.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước mới đây giảm một loạt lãi suất điều hành, cộng với Bộ Tài chính đã giảm, miễn một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời đang đề xuất Chính phủ cơ chế gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với doanh nghiệp là động thái tích cực, nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Theo đó, với chính sách tiền tệ, vốn dĩ mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam thuộc nhóm cao hàng đầu thế giới, nên dù đang được giảm xuống nhưng vẫn còn cao so với thế giới. Ðiều này đồng nghĩa chi phí tài chính vẫn còn cao và là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Thêm vào đó, trong thời buổi “giặc Covid - 19” hoành hành, năng lực vay vốn của nhiều doanh nghiệp bị suy giảm, nên ngay cả khi lãi suất giảm, cũng khó cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Với chính sách tài khóa, ý kiến từ một số doanh nghiệp cho rằng, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã và chuẩn bị được ban hành tập trung vào việc giãn, chậm nộp thuế, nên về bản chất không thay đổi nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
“Trong thời buổi kinh doanh khó khăn này, nhiều ngành, lĩnh vực doanh nghiệp rơi vào thua lỗ thì làm gì có thu nhập mà nộp thuế. Vậy nên, cơ chế giãn, lùi nộp thuế chỉ tiếp sức được một phần cho các doanh nghiệp còn duy trì được hoạt động và có thu nhập. Do vậy, chính sách tài khóa cũng cần thay đổi cách tiếp cận, để thực sự hữu hiệu trong tiếp sức cho doanh nghiệp…”, Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán chia sẻ.
Dồn lực mạnh cho doanh nghiệp có khả năng phát triển
Ý kiến từ các doanh nghiệp, cũng như chuyên gia cho rằng, để phù hợp với tính chất “thời chiến”, chính sách tiền tệ và tài khóa cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng tập trung hỗ trợ các nhóm đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
Thực ra, để triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, rất cần sự đồng bộ của các cơ chế khác, nhất là ở khía cạnh cung cấp các thông tin về các nhóm doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực đáng nhận được sự hỗ trợ để đạt được sự hiệu quả cho các gói/giải pháp hỗ trợ của nhà nước.
Theo đó, cần có cuộc khảo sát, điều tra toàn quốc về các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nào còn lợi thế cạnh tranh, có khả năng phát triển trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Trên cơ sở đó, bơm vốn cho các doanh nghiệp này tiếp tục phát triển, cũng như đón đầu được sự phục hồi sau khi dịch bệnh đi qua, thay vì đưa vốn vào các khu vực doanh nghiệp không có khả năng phát triển, mất hoặc lợi thế cạnh tranh thấp. Ðiều này giúp cho đồng vốn của ngân hàng vừa giảm thiểu rủi ro, vừa đảm bảo khả năng sinh lời tốt hơn.
Trên cơ sở định hình rõ danh mục các doanh nghiệp có khả năng phát triển, chính sách tiền tệ nên có những gói tín dụng đặc biệt, thậm chí nhà nước hỗ trợ hoàn toàn lãi suất, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ giảm lãi suất không đáng kể như hiện nay, để tập trung giải ngân cho các doanh nghiệp này.
Tương tự, chính sách tài khóa cũng không nên dừng lại ở định hướng hoãn, lùi thời hạn nộp thuế như hiện nay, mà cũng nên tập trung giảm, thậm chí miễn thuế cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài.
Ðương nhiên, áp dụng cách làm này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng đây là sự đầu tư cần thiết của nhà nước, để bồi sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển, từ đó dần phục hồi nguồn thu.
Ðể thực hiện định hướng chính sách tài khóa này, cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước cũng cần được Quốc hội, Chính phủ cơ cấu lại theo hướng cắt giảm phù hợp với “thời chiến chống dịch”, chứ không thể duy trì mức chi tiêu như hiện tại, nhất là với các khoản chi không thực sự cấp thiết và mang lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, các chính sách về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công… cần được khơi thông, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có đầu ra.
Với cách tiếp cận mới trên sẽ giúp cho các ngành có tiềm năng phát triển gánh được bất ổn cho các lĩnh vực khó khăn, từ đó, vừa duy trì được một lực lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vừa giúp nền kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng hợp lý.
Mấu chốt là duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch HÐQT Công ty Quản lý quỹ AIC
Có một thực tế là do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nên có những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực gần như bị tê liệt hoạt động như du lịch, hàng không, bất động sản…
Bởi vậy, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này là không mang lại hiệu quả trong trước mắt.
Thay vào đó, các chính sách về tiền tệ, tài khóa… cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển, thậm chí có thêm cơ hội phát triển mới trong bối cảnh hiện nay như doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: trang thiết bị y tế, dược phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Cùng với hướng hỗ trợ doanh nghiệp về mặt đầu vào như vậy, cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp sức cho doanh nghiệp có đầu ra thông qua thúc đẩy đầu tư công vào các lĩnh vực có khả năng phát triển trong bối cảnh thị trường hiện nay, cũng như các dự án sắp hoàn thành, để vừa phát huy tính hiệu quả của các dự án, vừa duy trì được tổng cầu của nền kinh tế.
Mấu chốt là duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam.
Liều lượng của chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cũng như định hướng ban hành phần nhiều mới dừng lại ở giãn, hoãn nộp thuế.
Tất nhiên, cơ quan quản lý có lý do để đưa ra cách tiếp cận này, đó là vừa thực thi các giải pháp hỗ trợ vừa nghe ngóng tín hiệu của thị trường.
Tuy nhiên, tính chất khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực đã hiển hiện và có nguy cơ còn khó khăn hơn, nên liều lượng các chính sách hỗ trợ nói chung, chính sách tài khóa nói riêng cần sớm được gia tăng, tránh để khi doanh nghiệp kiệt sức thì khi đó cơ chế tiếp sức dù có ưu đãi đến mấy cũng không cứu được doanh nghiệp, chứ đừng nói gì để tiếp sức cho họ phát triển.
Riêng với lĩnh vực chứng khoán, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, cũng như nhà đầu tư rất cần cơ chế tiếp sức về miễn, giảm thuế để họ ở lại với thị trường, từ đó mới duy trì được cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.
Nếu chính sách tài khóa được triển khai với liều lượng yếu và chậm như hiện nay không được sớm khắc phục để bắt kịp tốc độ tác động tiêu cực của dịch bệnh, thì sẽ khó mang lại hiệu quả trên thực tế.