“Tiếp máu” cho ngân hàng

“Tiếp máu” cho ngân hàng

Tiếp sau thương vụ ngân hàng TNHH Mizuho (MHCB) mua 15% cổ phần của ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), nhiều người đang kỳ vọng vào khả năng các tổ chức đầu tư quốc tế sẽ quay trở lại với làn sóng đầu tư vào NHTM CP VN, qua đó củng cố “sức khỏe” và nâng cao năng lực của các ngân hàng này.

Có thể nói là không ngân hàng trong nước nào, ngoại trừ một vài "ông lớn" mà số này đếm chưa đầy 1 bàn tay, có "sức hút" và những lợi thế như Vietcombank. Nhưng trong số các "ông lớn" còn lại như Agribank hay BIDV, thì các ngân hàng này lại chưa hoàn tất IPO và cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế nhảy vào sẽ là vấn đề thời gian.

 

Không phải ngân hàng nào cũng là... VCB

 

Trong khi đó, giả dụ Agribank và BIDV đã IPO hoàn tất, hoặc như Vietinbank đã niêm yết trên sàn chứng khoán, thì các ngân hàng này đều cũng có những đặc thù riêng mà quan trọng nhất là chiến lược phát triển và quan hệ đầu tư trực tiếp, thương mại không mang tính chất đại diện cho quan hệ giữa hai quốc gia như Vietcombank và MHCB, với các hoạt động Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) trong giao thương Việt - Nhật. Mặc dù, nếu xét về tổng tài sản thì Vietcombank chưa phải là ngân hàng đứng đầu trên cả nước, còn xét về các lợi thế vi mô như thị phần tín dụng, mạng lưới chi nhánh giao dịch hoặc các hoạt động dịch vụ ngách thì mỗi một ngân hàng quốc doanh lại có một ưu thế riêng không dễ dàng so sánh.

 

Có lẽ vì vậy mà một số thương vụ chào bán cổ phần đã thành công trước đó hoặc đang trong tiến trình đàm phán như vụ Vietinbank bán 10% cổ phần cho Ngân hàng Thế giới IFC, hay đang đàm phán về giá để chuyển nhượng 15% tiếp theo cho Bank Of Nova Scotia BNS, cũng không làm thị trường "khấp khởi" bằng thương vụ của Vietcombank và MHCB.

 

Ông Dung Tấn Trung, một chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế, nói với DĐDN: "Tôi cho rằng việc ký kết mua một lúc 15% cổ phần của một ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, là một con số góp vốn không hề nhỏ nếu không nói là quá lớn. Và điều đó rõ ràng là phải có sự cho phép của hai quốc gia. Về phía Nhật Bản, MHCB cũng là một ngân hàng quốc gia lớn. Vì vậy, để việc góp vốn đầu tư chiến lược dẫn tới thành công, cả hai bên đều phải có những hợp tác chiến lược ở tầm vĩ mô. Tất cả các ngân hàng đều khó so sánh lợi thế này trước Vietcombank, hay nói cách khác, dù với lợi thế nào thì các ngân hàng quốc doanh, hay thương mại cổ phần khác, cũng không phải là... Vietcombank!".

 

“Tiếp máu” cho ngân hàng ảnh 1

Tỷ lệ nắm giữ của một số ngân hàng nước ngoài tại các NHTM

 trong nước tính đến ngày 31/12/2010 (nguồn VCBS)

 

Gia tăng góp vốn hay cạnh tranh đối mặt"?

 

Theo ông Keirn OConnor - Giám đốc điều hành AIM Capital, một trong những quỹ hàng đầu về đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, thì đối với khu vực này nói chung và VN nói riêng, cơ hội tăng trưởng tín dụng lúc này thực sự chưa nhiều. Theo đó, vai trò của các tổ chức đầu tư tài chính và tỷ lệ gia tăng đầu tư cũng thấp, mặc dù với 1% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng hay vay tín dụng ngân hàng, dư địa để phát triển hoạt động ngân hàng với các dịch vụ đa dạng từ bán lẻ tới cung cấp tín dụng vẫn còn rất lớn.

 

VN hiện có có khoảng 100 ngân hàng. 80% thị phần tín dụng trên thị trường thuộc về 12 ngân hàng lớn, trong đó 4 NHTMQD thuộc sở hữu Nhà nước hoặc đã được cổ phần hóa một phần là BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank chiếm tới 48,3% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống. Đối tượng tín dụng của các ngân hàng này là các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước. 37,1% thị phần tín dụng còn lại thuộc về top đầu của các NHTMCP với cơ cấu cổ đông đa dạng, khách hàng truyền thống là các DNNVV và một phần nguồn thu từ các hoạt động ngân hàng bán lẻ. Ngoài ra, thị trường tài chính cũng có khoảng 100 Cty CK, với quy mô vốn chủ sở hữu dao động từ 200 - 1.500 tỷ đồng nhưng không thực sự được nhà đầu tư nước ngoài chú ý. Nói theo cách của một tổ chức đầu tư là nếu không quan tâm đến đầu tư thứ cấp với tính chất đầu cơ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chẳng có lý do gì mà "để mắt" đến các Cty chứng khoán VN.

 

Hợp nhất hày chờ đợi đầu tư?

 

Ông Henry Fehman - Giám đốc Huntington Bisk, một tổ chức tư vấn - đầu tư, đã đầu tư vào thị trường bất động sản VN cho biết ông đánh giá không cao việc đầu tư tài chính vào các ngân hàng. Một lý do cơ bản là sản phẩm của các ngân hàng vẫn còn hạn hẹp, chủ yếu tập trung cho vay, và khả năng để mở rộng sản phẩm phục vụ thị trường của các ngân hàng cũng bị co lại trong một môi trường cạnh tranh ngày càng cao, trong khi đó, hoạt động ngân hàng vẫn phải tuân thủ chủ trương điều hành tiền tệ của Nhà nước. Do đó, để đối phó với tình trạng cạnh tranh, theo ông, các ngân hàng nhỏ nên lựa chọn con đường tự hợp nhất để có thể tồn tại hơn là trông cậy vào nguồn vốn đầu tư từ phía bên ngoài. Ông cũng cho biết năm 1996, ông có vào VN và tìm hiểu về các NHTM. "Thời điểm đó, còn quá sớm để làm gì. Nhưng ngay cả bây giờ thì tình hình vẫn như vậy và quyết định đầu tư vào một ngân hàng nào đó, cũng là rất khó".

 

Sự có mặt và gia nhập thị trường tài chính VN của các tổ chức tài chính nước ngoài giờ đây đã không còn là điều mới mẻ. Những ngân hàng lớn như HSBC, Citibank, ANZ, Standard Chartered (S.C) và Deutsche Bank đang không ngừng củng cố, mở rộng hoạt động trên các khu đô thị lớn của VN. Năm 2010, Citi và S.C đã chính thức triển khai hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Hà Nội, trong khi HSBC khai trương 2 chi nhánh mới tại Đà Nẵng và Cần Thơ chỉ một thời gian trước đó. Một loạt các chi nhánh NHNN khác như Huanan, Chinatrust và Mizuho cũng tăng mạnh vốn được cấp vào thời điểm cuối năm 2010. Ngoài ra, một vài ngân hàng nước ngoài hiện cũng đang nắm giữ cổ phần tại các NHTM trong nước với tỷ lệ ở mức cao trung bình từ 10-20%. Tuy nhiên, việc tập trung vào các sản phẩm bán lẻ tiêu dùng như cho vay mua nhà, cấp du học, vay mua xe..., với tên tuổi và uy tín của các ngân hàng nước ngoài, đã tỏ rõ một hướng đi dài hạn của khối tổ chức tài chính này, hơn là mục tiêu đầu cơ hoặc cạnh tranh ngắn hạn.

 

Đó có lẽ là lý do vì sao trong khi các NHTM CP trong nước đang gồng mình gia tăng tỷ lệ sở hữu chéo với nhiều ngân hàng khác trong toàn ngành, thì các ngân hàng nước ngoài vẫn tỏ ra hết sức "kén chọn" trong việc tìm đối tác để góp vốn. Xem ra, lợi thế dư địa tín dụng còn rộng chỗ và một thị trường nội địa đông dân, nhu cầu vốn lớn vẫn không phải là những điều tiên quyết để thị trường ngân hàng có thể thu hút được thêm nhiều tổ chức tài chính mới, với các quỹ hỗ tương và đầu tư tư nhân cùng tham gia cuộc chơi.