Việc xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” là ngân hàng và doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T

Việc xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” là ngân hàng và doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T

“Xử” tội đồ gây nợ xấu hay xử lý nợ xấu?

Nếu đòi hỏi xử lý “tội đồ” gây ra nợ xấu rồi mới xử lý nợ xấu, quá trình này sẽ kéo dài hàng chục năm.

Tách bạch nợ xấu và tội đồ gây ra nợ xấu

Giữa tuần này, Quốc hội đã dành cả một buổi sáng để cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu. Dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, song đến giờ này, Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội vẫn đang gây ra tranh luận quyết liệt.

Nỗi lo để lọt tội phạm hay Nghị quyết liệu có kẽ hở để một số cá nhân “trục lợi” nợ xấu khiến các đại biểu băn khoăn. Thậm chí, có đại biểu còn đề nghị, cần phải xử lý người gây ra nợ xấu trước, rồi xử lý nợ xấu sau.

“Nghị quyết cần tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý các đối tượng vì chủ quan gây ra nợ xấu để giải quyết tận gốc nợ xấu”, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề xuất.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên nhầm lẫn giữa việc xử lý nợ xấu và xử lý trách nhiệm cá nhân gây ra nợ xấu. Sự nhầm lẫn này có thể khiến quá trình xử lý nợ xấu kéo dài cả chục năm.

“Phải khẳng định rằng, nợ xấu do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra, song xử lý nợ xấu đang nằm ngoài khả năng của những “tội đồ” này. Vì vậy, nếu ép các cá nhân gây ra nợ phải xử lý nợ, chắc chắn hàng chục năm nữa nợ xấu cũng sẽ không thể giải quyết được”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia nhận định.

Mặt khác, việc đưa ra cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu không có nghĩa là xí xóa cho các cá nhân gây ra nợ xấu hoặc tạo cơ hội cho các cá nhân này trốn tội.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, xử lý nợ xấu không phải là xóa nợ cho ngân hàng, mà mục đích là tạo đòn bẩy cho kinh tế tăng trưởng, còn cá nhân gây ra nợ xấu vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc. Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, bên cạnh quyết liệt xử lý nợ xấu, nước này cũng bỏ tù hàng chục cá nhân sai phạm.

Trước lo lắng của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, các hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Không có quy định nào trong Dự thảo có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng, tổ chức hay cá nhân có thể trục lợi.

Thực tế, 5 năm vừa qua, theo thống kê của Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc.

Ngân hàng có lỗi, song không thể để con nợ nhởn nhơ

Nguyên nhân gây ra nợ xấu, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank chủ yếu là do nền kinh tế. Thực tế, nợ xấu tăng vọt đột biến (năm 2012) xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, góp phần không nhỏ gây ra nợ xấu thời gian qua chính là các ngân hàng. Một loạt đại án do ông chủ ngân hàng vi phạm quy định, rút ruột ngân hàng, tuồn vốn cho công ty sân sau… là những ví dụ điển hình.

Chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận, một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu là quy trình tín dụng của một số ngân hàng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng còn hạn chế, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định…

Tuy vậy, đến thời điểm này, luận tội hay quy trách nhiệm không quan trọng bằng phải cấp bách có cơ chế xử lý nợ xấu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc xử lý cá nhân sai phạm và xử lý nợ xấu cần tiến hành độc lập, thì việc xử lý nợ xấu mới có thể đẩy nhanh.

Để xử lý nợ xấu, điểm mấu chốt hiện nay là phải bảo vệ quyền của chủ nợ, đặc biệt là quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo. Nếu luật pháp nghiêm minh, tình trạng con nợ nhởn nhơ, chống đối cả ngân hàng, tòa án, lẫn cơ quan thi hành án như hiện nay sẽ chấm dứt.

“Hơn lúc nào hết, các cơ quan quyền lực nhà nước cần phải có quyết tâm chính trị đủ mạnh để vượt qua tư duy làm luật kiểu cũ, xây dựng nhanh một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các ngân hàng thương mại thực hiện thành công tiến trình xử lý nợ xấu”, ông Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.

Tin bài liên quan