Nếu không có thị trường mua bán nợ, VAMC khó có thể giải quyết được lượng nợ xấu đã gom

Nếu không có thị trường mua bán nợ, VAMC khó có thể giải quyết được lượng nợ xấu đã gom

Xử lý nợ xấu: Ngân hàng vẫn phải tự thân

(ĐTCK) Trước khi các rào cản trong phát mãi tài sản đảm bảo và thị trường mua – bán nợ được tháo gỡ, các ngân hàng vẫn phải tự thân giải quyết gánh nặng nợ xấu.

Mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC

Tính đến thời điểm này, đã có 2 ngân hàng mua lại nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và một số ngân hàng cũng dự kiến sẽ mua lại các khoản nợ xấu đã bán trong năm nay để làm sạch danh mục nợ xấu tại VAMC.

Theo đó, VIB vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, thể hiện việc nhà băng này đã mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý. Nhờ đó, dư nợ tại VAMC của VIB đã giảm 30%.

VIB là ngân hàng thứ 2 và cũng là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên chủ động mua lại nợ xấu từ VAMC. Trước đó, Vietcombank cho biết đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.

Không riêng 2 ngân hàng kể trên, nhiều nhà băng khác cũng xác định nhiệm vụ tự thân đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể tổng nợ mà Ngân hàng đã bán cho VAMC từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Hay lãnh đạo OCB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng là làm sạch danh mục nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1%.

Việc một số tổ chức tín dụng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng và hoạt động kinh doanh ghi nhận lợi nhuận tốt hơn nên có đủ tiềm lực để quay trở lại mua khoản nợ xấu đã bán cho VAMC là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình xử lý nợ của hệ thống ngân hàng.

Còn nhiều rào cản

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tuy tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%, cụ thể là 2,46% cuối năm 2016, nhưng nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Theo đó, tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ, do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.

Mới đây, VAMC đã đưa ra đề xuất được tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng đến năm 2020. Việc tăng vốn, theo VAMC, sẽ tăng năng lực xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng trong lộ trình nâng cao năng lực xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, điều này chưa hẳn giải quyết được khối lượng nợ xấu lớn mà VAMC đã “gom” từ ngân hàng, nếu không có thị trường mua - bán nợ.

Trong bối cảnh VAMC gặp khó khăn trong việc xử lý nợ đã mua, gánh nặng nợ xấu tiếp tục đè nặng lên vai nhà băng. TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế Tập đoàn Vina Capital nhận định, không phải nhà băng nào cũng sớm có khả năng mua lại hết khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Do đó, ngân hàng chỉ còn kỳ vọng thị trường bất động sản đang ấm dần lên sẽ tạo cơ hội tốt trong việc xử lý tài sản đảm bảo. Bởi thực tế, đây là tài sản thế chấp cho phần lớn các khoản nợ xấu tại các các ngân hàng Việt Nam.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ được những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời, đòi hỏi phải hình thành thị trường mua - bán nợ. Cụ thể, theo TS. Lịch, cần có một đạo luật để giải quyết tất cả những rào cản đang tồn tại trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.

Tin bài liên quan