Cơ chế xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản đang có nhiều bất cập

Cơ chế xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản đang có nhiều bất cập

Xử lý nợ xấu: Cần khung pháp lý linh hoạt hơn

(ĐTCK) Tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng châu Á, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu…

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhận định, quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng (TCTD) tái cơ cấu nói riêng rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, việc tăng vốn của các TCTD trong 2 năm qua rất khiêm tốn bởi nguồn lực trong nước không đáp ứng được. Do đó, việc kêu gọi mở rộng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.

Cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác.

- Ông Phạm Hồng Hải,
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

Theo đó, SCB đề nghị nên mở room cho các nhà đầu tư ngoại tham gia vốn vào các TCTD cổ phần, có thể đến 49% hoặc trên 50%. Ngoài ra Chính phủ, NHNN có thể xem xét tháo gỡ các điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược.

“Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược phải là định chế tài chính có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD và tổng tài sản trên 10 tỷ USD. Tôi cho rằng, điều kiện này hiện không còn phù hợp, trở thành rào cản cho các tổ chức khác và quỹ đầu tư muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Thực tế, có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu và mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn có uy tín cùng tham gia tái cấu trúc ngân hàng và TCTD trong nước, nâng cấp hệ thống quản trị điều hành, quản lý rủi ro, chứ không nhất thiết phải làm việc với các định chế tài chính quốc tế có quy mô lớn mới đạt được mục tiêu này”, ông Văn nói.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng trong nước phải là định chế tài chính có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD và tổng tài sản trên 10 tỷ USD.   

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam phân tích, để thực hiện được mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi. Với quy định của Basel II và xu hướng tuân thủ quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc, bởi không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng.

“Bên cạnh đó, cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho rằng, nợ xấu đang là một vấn đề nhức nhối, làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) mặc dù không tạo ra nguồn vốn mới cho xử lý nợ xấu, nhưng đã góp phần tích cực vào việc áp đặt kỷ luật với các ngân hàng thương mại trong việc sử dụng nguồn thu để trích lập dự phòng rủi ro. VIB không kỳ vọng Chính phủ, NHNN có thể, hoặc có nghĩa vụ lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng mong muốn Chính phủ, NHNN có cơ chế và khung pháp lý linh hoạt hơn cho xử lý nợ xấu.

Theo ông Vũ, hiện tại, một số tổ chức nước ngoài có tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm chuyên môn, mong muốn tham gia mua và xử lý nợ xấu từ các TCTD Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không cho phép người mua nợ nước ngoài sở hữu tài sản đảm bảo là bất động sản, loại tài sản có tính khả thi nhất cho việc xử lý nợ xấu, cho dù mục đích của quyền sở hữu này là để phát mại, thu hồi nợ.

Để khắc phục các vướng mắc trên, ông Vũ đề xuất Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan cho phép: thứ nhất, bên mua nợ nước ngoài thành lập công ty mua bán nợ 100% vốn nước ngoài theo đúng các quy định tại Nghị định 69/2016; thứ hai, tài sản đảm bảo là bất động sản gắn liền với khoản nợ sau khi được chuyển giao cho công ty mua bán nợ này sẽ được uỷ quyền ngay cho bên bán nợ là TCTD Việt Nam. TCTD này tiếp tục quản lý tài sản đảm bảo để phát mại tài sản, thu hồi vốn trả lại cho công ty.

“Cấu trúc này đòi hỏi sự phối hợp và thông qua của một số bộ ngành, trong đó có NHNN và Bộ Tư pháp. Nếu được chấp thuận, chúng ta sẽ có thêm nguồn thực lực để xử lý nợ xấu”, ông Vũ nhấn mạnh.

Tiếp nhận các kiến nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, thời gian tới, cần phải có khuôn khổ pháp lý, pháp quy cho việc xử lý nợ xấu, thông qua việc xây dựng Luật, tạm gọi là Luật Hỗ trợ, tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu. Và quan trọng nhất là cần báo cáo Quốc hội, đưa ra nội dung xử lý, thu giữ tài sản đảm bảo, quyền lợi của người cho vay. Đây là điểm then chốt trong việc xử lý nợ xấu, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.   

Tin bài liên quan