Bảo hiểm tiền gửi góp phần hạn chế tối đa hiện tượng đột biến rút tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi góp phần hạn chế tối đa hiện tượng đột biến rút tiền gửi

Xử lý đột biến rút tiền gửi, không thể thiếu bảo hiểm tiền gửi

(ĐTCK) Đột biến rút tiền gửi ngân hàng là hiện tượng người gửi tiền ồ ạt rút tiền tại ngân hàng vì lo sợ ngân hàng nơi gửi tiền có thể bị đổ vỡ, khiến tiền gửi của họ bị thiệt hại. 

Tiến trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động ngân hàng trên toàn cầu và sự sụp đổ của nhiều ngân hàng do rút tiền hàng loạt đã đặt ra yêu cầu về kiểm soát và xử lý hiện tượng này, trong đó nổi bật lên vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. 

Hậu quả đột biến rút tiền gửi mang lại

Lịch sử ngân hàng thế giới đã ghi nhận hậu quả nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng do đột biến rút tiền gửi lan tràn, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Ngày nay, với sự có mặt của thể chế bảo vệ người gửi tiền như chính sách bảo hiểm tiền gửi, hiện tượng đột biến rút tiền gửi có xu hướng xảy ra lặng lẽ hơn, nhưng vẫn được xếp hạng rủi ro hiện hữu và có ảnh hưởng lớn.

Hệ thống ngân hàng nhiều quốc gia trên thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến phải đóng cửa do hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra. Có thể kể đến ngân hàng quốc gia Franklin (Mỹ) bị đổ vỡ năm 1974, hay sự phá sản của ngân hàng Banco Ambrosiano (Ý) năm 1982 và đổ vỡ dây chuyền của nhiều ngân hàng ở Canada những năm 1985.

Tại châu Á, khủng hoảng tài chính năm 1997 đã chứng kiến tình trạng đột biến rút tiền gửi tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia. Tiêu biểu là trường hợp của Indonesia khi khủng hoảng lòng tin đã dẫn đến đột biến rút tiền gửi tại 2/3 số ngân hàng tư nhân, chiếm 1/2 tổng số ngân hàng ở quốc gia này.

Ngày 14-17/9/2007, đột biến rút tiền gửi diễn ra tại ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh - Northern Rock. Trong vòng 4 ngày, tổng số tiền bị rút khỏi ngân hàng này vào khoảng 4 tỷ USD. Ước tính chi phí cứu nguy cho Northern Rock vào khoảng 40-50 triệu bảng Anh, chiếm khoảng 10% lợi nhuận mục tiêu năm 2007 của Ngân hàng.

Tùy thuộc vào quy mô để đánh giá hậu quả của đột biến rút tiền gửi. Đối với đột biến rút tiền gửi đơn lẻ, hậu quả chỉ giới hạn trong ngân hàng có sự cố, người gửi tiền và cổ đông. Ngược lại, ở quy mô hệ thống, hậu quả sẽ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều đối tác trong nền kinh tế.

Khi xảy ra đột biến rút tiền gửi, người gửi tiền sẽ phải chịu các chi phí như: tiền lãi bị mất do rút trước hạn, chi phí chờ đợi rút tiền trong tình huống không bình thường... và trầm trọng hơn có thể làm cho ngân hàng đó bị đổ vỡ. Bên cạnh đó, đột biến rút tiền gửi đơn lẻ nếu thành hệ thống có thể dẫn đến tình trạng đình trệ đầu tư tại nhiều ngân hàng, thậm chí là lạm phát và suy thoái kinh tế. 

Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong kiểm soát và xử lý đột biến rút tiền

Có thể nói, niềm tin của người gửi tiền đóng vai trò quan trọng quyết định thành công và thất bại của ngân hàng. Chính sách bảo hiểm tiền gửi là giải pháp tối ưu trong củng cố và duy trì niềm tin của công chúng, đồng thời góp phần hạn chế tối đa hiện tượng đột biến rút tiền gửi.

Theo đó, việc giải quyết tình trạng đột biến rút tiền gửi tùy thuộc vào nội dung chính sách bảo hiểm tiền gửi từng quốc gia. Tại Mỹ, cơ chế bảo hiểm tiền gửi được thiết kế theo mô hình giảm thiểu rủi ro và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) được trao nhiều quyền về giải quyết ngân hàng có vấn đề và hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi cao.

Tại Anh, chính sách bảo hiểm tiền gửi đã có nhiều điều chỉnh như: nâng cao hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo tính kịp thời trong xử lý chi trả, cho phép Cơ quan bảo hiểm tiền gửi (FSCS) tham gia xử lý tài sản của ngân hàng đổ vỡ để tiếp tục chi trả phần tiền gửi trên hạn mức chi trả bảo hiểm, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tổ chức giám sát ngân hàng, trong đó có tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cải thiện nguồn vốn của FSCS và có cơ chế hỗ trợ trong tình trạng đặc biệt và khẩn cấp.

Đột biến rút tiền gửi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Do đó, nỗ lực hoạt động an toàn và hiệu quả, minh bạch thông tin, có giải pháp thích hợp kiểm soát thông tin, tổ chức tư vấn thông tin bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và phối hợp triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi một cách đầy đủ là các hoạt động được khuyến nghị triển khai nhằm hạn chế khả năng phát sinh đột biến rút tiền gửi.

Bên cạnh đó, khi xảy ra đột biến rút tiền, để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, các chủ nợ và không ảnh hưởng tới các ngân hàng đang hoạt động bình thường, các thiết chế liên quan bao gồm giám sát, giải quyết ngân hàng có vấn đề cần được xây dựng đồng bộ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Thành công trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản là những minh chứng rõ rệt cho điều này. Ngược lại, nếu chỉ triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi theo mô hình tổ chức chi trả tiền bảo hiểm, việc kiểm soát đột biến rút tiền gửi và giải quyết ngân hàng có vấn đề sẽ phức tạp, tốn kém và không hiệu quả.

Đột biến rút tiền gửi ngân hàng là vấn đề có thể xảy ra từ sơ khai của hoạt động ngân hàng và có khả năng tái diễn trong quá trình phát triển ở mức độ cao hơn. Chính vì vậy, triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ thiết lập và duy trì tính tự giác chấp hành kỷ cương thị trường, qua đó giúp kiểm soát và vô hiệu hóa cơ hội phát sinh rủi ro trong kinh doanh ngân hàng để ngăn ngừa nguy cơ đột biến rút tiền gửi.    

Tin bài liên quan