Nợ xấu chưa đáng báo động, nhưng cần có sự quan tâm theo dõi của lãnh đạo các ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý

Nợ xấu chưa đáng báo động, nhưng cần có sự quan tâm theo dõi của lãnh đạo các ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý

Xu hướng nợ xấu tăng: Chưa đáng lo

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm 2018, cho vay khách hàng của hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đều tăng so với đầu năm, cùng với đó là nợ xấu tăng nhẹ. Dù tình trạng chưa đến mức lo ngại nhưng việc chú tâm tới vấn đề này chưa bao giờ là thừa, nhất là khi chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo “tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể gây rủi ro về ổn định khu vực ngân hàng, nhất là với những yếu kém còn tồn tại trên bảng cân đối và hệ số vốn mỏng ở một số nhà băng”.

Con số nợ xấu thực tế

Ông Aaron Batten, Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tình hình xử lý nợ xấu (NPL) tiến triển chậm hơn. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức đã giảm xuống còn 2,3% tổng mức dư nợ vào cuối năm 2017, chỉ thấp hơn một chút so với mức 2,5% tính đến cuối năm 2016.

Điều này một phần là do nợ xấu tiếp tục được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong khi đó, nợ xấu do cả VAMC và các ngân hàng nắm giữ, cộng với nợ xấu tiềm tàng tính đến cuối năm 2017 đứng ở mức 7,9% tổng dư nợ, so với mức 10,1% vào năm 2016.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt thẳng thắn đề cập, ưu tiên hiện nay vẫn là xử lý các vấn đề tồn tại về chất lượng tài sản trong khu vực ngân hàng. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng theo báo cáo chính thức tương đương 2,3% tổng tài sản của các nhà băng vào tháng 12/2017.

Hiện tại, câu chuyện nợ xấu chưa phải là vấn đề đáng quan ngại khi diễn biến tăng chưa đến mức báo động, nhưng cần có sự quan tâm theo dõi của lãnh đạo các ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh được một phần những thách thức về chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng, vì chưa bao gồm tài sản xấu do VAMC nắm giữ. Nếu gộp cả nợ xấu của VAMC và nợ xấu tiềm năng, tổng tài sản xấu trong khu vực ngân hàng ước tính vào khoảng 7,36%.

Trong khi đó, theo số liệu được ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty VAMC cho biết, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm từ 3,61% cuối năm 2013 xuống 2,18% tính đến khoảng cuối tháng 7/2018. Trong đó, nợ xấu xử lý qua Công ty VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý.

VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Công ty đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.

VAMC cũng đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Việc triển khai quyết liệt các giải pháp giúp Công ty thu hồi được cơ bản số tiền mua nợ theo giá thị trường (đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tương ứng với hơn 90% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá thị trường năm 2017). VAMC đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

Nợ tăng nhẹ: Vẫn phải để mắt

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Vietcombank cho biết, cho vay khách hàng tính đến 30/6/2018 đã đạt 606.052 tỷ đồng so với 543.434 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2017 và nợ xấu tính đến hết quý II tăng lên mức 1,15% so với mức 1,14% vào ngày 31/12/2017. Tương tự, theo báo cáo tài chính của VietinBank, cho vay khách hàng tính đến 30/6/2018 vào khoảng 867.566 tỷ đồng so với 790.688 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2017 và nợ xấu tính đến hết quý II tăng lên mức 1,29% so với mức 1,14% vào ngày 31/12/2017.

Tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần, số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2018 của các nhà băng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng cho thấy, nợ xấu không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng so với cuối năm 2017. Ví dụ, tại Techcombank, cho vay khách hàng đạt 166.701 tỷ đồng thời điểm cuối quý II/2018, so với 160.849 tỷ đồng vào ngày 31/12/2017 và tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,61% cuối năm 2017 lên 2,04% vào cuối tháng 6/2018.

Hay tại MB, cho vay khách hàng đạt mức 204.829 tỷ đồng vào 30/6/2018, so với 184.188 tỷ đồng vào ngày 31/12/2017 và tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên 1,29% vào cuối tháng 6/2018. Tại SHB, cho vay khách hàng thời điểm cuối quý II đạt 208.360 tỷ đồng so với 198.291 tỷ đồng vào ngày 31/12/2017 và tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,7% vào cuối tháng 6/2018 so với 2,33% cuối năm 2017.

Tại các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, tỷ lệ nợ xấu và cho vay khách hàng cũng tăng nhẹ. Cụ thể, TPBank cho vay khách hàng đạt 73.770 tỷ đồng vào ngày 30/6/2018 so với con số 63.422 tỷ đồng vào ngày 31/12/2017, tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,10% cuối năm 2017 lên 1,17% vào cuối tháng 6/2018.

Cho vay khách hàng tại KienLongBank đạt 27.341 tỷ đồng vào cuối quý II/2018 so với 24.686 tỷ đồng cuối năm 2017 và tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng này tăng nhẹ lên mức 0,88% vào ngày 31/12/2017 so với 0,84% thời điểm cuối năm 2017.

Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Thông thường, tăng dư nợ sẽ dẫn tới gia tăng rủi ro, kéo theo nợ xấu đi lên. Điều này là bình thường trong hoạt động của ngân hàng. Hiện tại, câu chuyện nợ xấu chưa phải là vấn đề đáng quan ngại khi diễn biến tăng chưa đến mức báo động, nhưng cần có sự quan tâm theo dõi của lãnh đạo các ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý”.

Thực tế, đã có những quan ngại nhất định bởi trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu phân loại cho vay bất động sản đúng thực chất, bao gồm cả cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay sửa chữa nhà, cho vay xây nhà…, thì tỷ trọng dư nợ thực cho vay bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Điều này có nghĩa, với khoảng 6,5 triệu tỷ đồng dư nợ của nền kinh tế, cho vay bất động sản đang chiếm một con số rất lớn, xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng.

Không phủ nhận sự phát triển của thị trường bất động sản đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế nhưng phân khúc này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Trong báo cáo về Việt Nam của Ngân hàng HSBC, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5% GDP của quốc gia và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP từ năm 2013. Nhưng với mô hình kinh tế tiếp tục dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, rủi ro tín dụng bất động sản là vấn đề quan trọng Việt Nam cần “để mắt” tới.

Tin bài liên quan