Xu hướng dùng thẻ thanh toán cá nhân gia tăng

Xu hướng dùng thẻ thanh toán cá nhân gia tăng

(ĐTCK-online) Thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt khi đi du lịch hay công tác nước ngoài, người Việt Nam luôn có thói quen mang theo USD hay ngoại tệ của nước sở tại. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong nước và sự giao lưu với các nền kinh tế trên thế giới, bước đầu, người dân đã có những thay đổi tích cực trong thói quen sử dụng thẻ thanh toán.

Doanh số thanh toán thẻ quốc tế tại đơn vị chấp nhận thẻ năm 2010 của các ngân hàng thành viên Hội thẻ đạt gần 1.368 triệu USD, tăng gần 29% so với năm 2009 (1.061 triệu USD). Trong số các ngân hàng thành viên, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đứng đầu về hoạt động thanh toán thẻ quốc tế với gần 750 triệu USD, chiếm gần 54,5% thị phần. Tiếp sau là Vietinbank với gần 154 triệu USD, chiếm 11,2% thị phần và UOB của Singapore đạt 92 triệu USD, chiếm 6,7%. Eximbank đạt 70 triệu USD, Sacombank đạt 56 triệu USD, lần lượt chiếm tương ứng 5,1% và 4,1% thị phần và của các ngân hàng khác là 18,3%.

Thiệt thòi đầu tiên khi mang tiền mặt là ngoại tệ ra nước ngoài là phí chuyển đổi ngoại tệ, gồm phí chuyển đổi thành đồng tiền thứ ba nếu nơi thanh toán không chấp nhận USD và phí cho việc chuyển đổi lại USD khi không dùng hết tiền mặt đã đổi. Đó là chưa kể đến những giấy tờ, thủ tục khá phức tạp để có thể mua được ngoại tệ tại ngân hàng để không bị chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, dù NHNN cũng đã có quy định khách hàng có thể rút ngoại tệ bằng tiền mặt ở nước ngoài (từ máy ATM), nhưng khoản phí rút tiền mặt rất cao (vì thế giới không khuyến khích sử dụng tiền mặt), đó là chưa tính đến phí chuyển đổi ngoại tệ.

Sử dụng thẻ thanh toán quốc tế sẽ tránh được các loại phí kể trên. Bên cạnh đó, thẻ thanh toán quốc tế cũng mang lại những sự tiện dụng khác như: an toàn do không phải mang theo tiền mặt; sử dụng được thẻ trên toàn thế giới và tránh được giới hạn khi mang ngoại tệ bằng tiền mặt ra nước ngoài (Thông tư số 15/2011/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực từ ngày 01/9/2011 quy định, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt mặt tối đa là 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

Mặc dù thị phần thẻ thanh toán quốc tế hiện nay phần lớn do các ngân hàng trong nước chiếm lĩnh với những lợi ích đi kèm và các phí thấp hơn các ngân hàng nước ngoài, nhưng các ngân hàng nước ngoài cũng đang không ngừng mở rộng, phát triển với lợi thế là uy tín thương hiệu, sự chuyên nghiệp và mạng lưới rộng khắp trên thếgiới…

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực thẻ thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Việc chiếm lĩnh thị phần đang được nhiều ngân hàng xúc tiến nhằm tranh thủ giai đoạn thị trường còn nhiều dư địa.

Những sản phẩm mà các ngân hàng vừa chào hàng có thể kể ra đây là: Thẻ Agribank Visa/MasterCard của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dùng thẻ này, khách hàng được miễn phí bảo hiểm tai nạn chủ thẻ trên phạm vi toàn cầu với số tiền bảo hiểm lên tới 15 triệu đồng đối với thẻ hạng Chuẩn/Vàng và lên tới 5.000 USD đối với thẻ hạng Bạch kim khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Agribank; Thẻ thanh toán quốc tế HSBC cho phép khách hàng có thể thanh toán khi mua sắm tại hơn 24.000 điểm bán lẻ tại Việt Nam và hơn 30 triệu điểm giao dịch trên toàn thế giới; Thẻ thanh toán quốc tế ANZ được áp dụng tại hơn 400 đối tác thuộc hệ thống thành viên ANZ SPOT trong nước và quốc tế…