NĐT ngoại hay tập đoàn kinh tế tư nhân khó có thể “thâu tóm” ngân hàng

NĐT ngoại hay tập đoàn kinh tế tư nhân khó có thể “thâu tóm” ngân hàng

Vốn tư nhân khó vào ngân hàng

(ĐTCK) Quá trình tái cấu trúc ngân hàng (NH) được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng thực tế, nguồn vốn tư nhân muốn vào NH không dễ như kỳ vọng. 

Tuy vẫn là lĩnh vực tiềm năng và được nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT) tư nhân muốn vào, song việc làm sai trái của một vài ông chủ tư nhân vào NH trước đó để lại hậu quả nghiêm trọng, đã buộc nhà điều hành phải cân nhắc kỹ. 

Câu chuyện Kinh Đô “rót” 1.000 tỷ đồng vốn vào DongA Bank đã làm nóng thị trường tài chính trong những ngày đầu tháng 7/2015 và khá bất ngờ với nhiều người, bởi trước đó có tin DongA Bank sẽ về “chung nhà” với ABBank. Với Kinh Đô, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn này “bơm” tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Trước đó, tháng 2/2007, Kinh Đô đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với Eximbank với khoản đầu tư 90 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 năm sau đó, Kinh Đô đã rút khỏi Eximbank. Và nay với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng, việc Kinh Đô nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Có thể thấy, Kinh Đô đã thấy được tiềm năng của lĩnh vực NH từ lâu, nhưng quá trình tái cơ cấu ngành NH mới thực sự là thời cơ tốt để đầu tư.

Về phần DongA Bank, sau một thời gian đàm phán, Ban lãnh đạo NH này nhận thấy, Kinh Đô là nhà đầu tư phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của mình. Kinh Đô cam kết mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn của DongA Bank từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Việc phát hành tăng vốn này cũng đã được ĐHCĐ DongA Bank ngày 21/7/2015 thông qua. Nếu phát hành thành công, Kinh Đô sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của DongA Bank.

Thế nhưng, khi thỏa thuận đang đi đến đoạn kết thì DongA Bank bất ngờ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do hoạt động có phần sa sút, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm. Kết thúc năm 2014, do nợ xấu tăng, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng của NH này chỉ còn 35 tỷ đồng.

Việc hợp tác này đã không có hồi kết và theo một nguồn tin, Kinh Đô đã “tháo chạy” ngay khi biết DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt. Hiện các cổ đông chính của DongA Bank gồm: CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với 7,7%; ông Trần Phương Bình và gia đình 9,6%; Thành ủy TP. HCM (UBND TP.HCM) 6,9% và CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là 10%.

Kinh Đô không phải là trường hợp điển hình. Quá trình tái cơ cấu ngành NH hiện nay được xem là giai đoạn tốt để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội bỏ vốn, nhất là tại những NH quy mô nhỏ, cần nâng cao năng lực tài chính để tái cơ cấu. Đó cũng chính là đích ngắm của các TĐKT tư nhân, nhất là khi các TĐKT Nhà nước buộc phải thoái vốn khỏi lĩnh vực NH theo chủ trương của Chính phủ, cũng như quy định của Thông 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.

Thực tế cho thấy, mở đầu cho quá trình tái cấu trúc ngành NH đã có không ít TĐKT tư nhân vào cuộc. Chẳng hạn như: TienPhongBank, VietABank, VNCB hay Sacombank là những cái tên được nhắc đến khá nhiều trong quá trình “thay máu”. Tại VietA Bank, dưới áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng để tồn tại và việc thoái vốn của cổ đông lớn Nhà nước là SJC, VietABank đã được chuyển nhượng lại cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010.

Trong cơ cấu sở hữu của VietABank hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt là cổ đông lớn nhất, sở hữu 17,36% vốn điều lệ. Tương tự là TPBank, trước áp lực tăng vốn và tái cấu trúc trong giai đoạn đầu khi NHNN bắt tay thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Tập đoàn Doji đã sớm “góp mặt” với tỷ lệ nắm quyền chi phối là 20%.

Tuy nhiên, không phải TĐKT tư nhân nào cũng cải tổ thành công NH sau khi góp vốn sở hữu. Ngược lại, ở một số NH, tình trạng càng trở nên khó khăn khi gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như tại TrustBank, một trong 9 ngân hàng nợ xấu cao, buộc phải tái cấu trúc đã được Tập đoàn Thiên Thanh cùng nhóm cổ đông lớn “thâu tóm”, sau đó được đổi tên thành VNCB.

Thế nhưng, các cổ đông lớn này đã không đưa được thương hiệu VNCB phát triển. Ngược lại, Chủ tịch HĐQT VNCB, ông Phạm Công Danh và một số thành phần khác đã đẩy VNCB vào khó khăn, nên NH đã phải bán lại với giá 0 đồng.

Vì vậy, việc xem xét nguồn vốn tư nhân muốn vào NH càng trở nên thận trọng hơn với nhà điều hành ngành này. Thị trường năm qua “nóng” với thông tin có một NH nhỏ, vốn chỉ trên 3.000 tỷ đồng của một tập đoàn tư nhân, sẽ nắm quyền “chi phối” một NH vốn trên 10.000 tỷ đồng, do hoạt động của NH này có phần sụt giảm trước tình hình nợ xấu tăng. Nhưng xem ra thương vụ này cũng không có hồi kết, vì NHNN sẽ sớm đưa người của mình vào điều hành nhà băng vốn 10.000 tỷ đồng nói trên.

Hiện Chính phủ buộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng, chẳng hạn EVN phải thoái vốn khỏi ABBank, hay PVN phải thoái vốn khỏi OceanBank… Đồng thời, các NH phải đẩy nhanh lộ trình thoái vốn sau 1 năm theo quy định của Thông tư 36. Vì vậy, không chỉ kinh tế tư nhân trong nước, mà quá trình tái cấu trúc NH Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Đặc biệt là vào giai giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, vấn đề sáp nhập, hợp nhất nóng lên, nhất là khi Chính phủ Việt Nam cho phép NH nhỏ yếu kém, cần tiềm lực tài chính tái cấu trúc có thể bán lại 100% vốn cho NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các NĐT ngoại và kinh tế tư nhân có thể dễ dàng “thâu tóm”.

Tin bài liên quan