Vốn ngoại vào ngân hàng, cần gỡ nút thắt 30%

Vốn ngoại vào ngân hàng, cần gỡ nút thắt 30%

(ĐTCK) “Nếu NHNN cho phép các TCTD nước ngoài gia tăng giới hạn sở hữu tại các NHTM yếu kém, sẽ tạo động lực thu hút nhà đầu tư”.

Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015”. Trong đó có giải pháp “NHNN xem xét, cho phép TCTD nước ngoài mua lại, sáp nhập TCTD yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần tại của TCTD nước ngoài tại các NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại”.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Sumit Dutta (ảnh), Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 

NHNN chưa mở rộng hơn room cho các NĐT nước ngoài đầu tư vào những ngân hàng khỏe của Việt Nam, mà lại định hướng đầu tư vào những ngân hàng yếu kém. Ông có bình luận gì về quyết định này?

Hiện nay, các NĐT nước ngoài ngoài vẫn có thể tham gia đầu tư vào các ngân hàng mạnh với tư cách là NĐT chiến lược, có tỷ lệ sở hữu tối đa 20% (đây là tỷ lệ sở hữu cho một NĐT chiến lược và người có liên quan; còn tổng mức sở hữu của các NĐT nước ngoài và người có liên quan là 30% - PV).

Tuy nhiên, việc sở hữu 20% các ngân hàng mạnh cũng đồng nghĩa với việc phải tham gia đầu tư với số vốn rất lớn, mà lại không thực sự nắm quyền quản trị các ngân hàng này. Trong khi đó, nếu tham gia vào các ngân hàng nhỏ và yếu kém, các NĐT nước ngoài chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ hơn rất nhiều.

Nếu NHNN chấp thuận tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài tại các ngân hàng nhỏ và yếu kém, NĐT nước ngoài sẽ có tiếng nói lớn hơn rất nhiều tại các ngân hàng này.

Với kinh nghiệm quản trị, công nghệ tiên tiến và hỗ trợ vốn từ tập đoàn mẹ, cộng với mạng lưới có sẵn của các ngân hàng trong nước, các NĐT nước ngoài hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế để biến các ngân hàng này thành các ngân hàng hoạt động hiệu quả.

Thay vì thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài có thể chọn chiến lược đầu tư vào các ngân hàng nhỏ để tận dụng được mạng lưới chi nhánh và khách hàng có sẵn.

 

Như vậy, sẽ là khả thi nếu NHNN quyết định mở room tại các ngân hàng yếu kém, thưa ông?

Quyết định này hoàn toàn khả thi và chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều NĐT nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào các ngân hàng nhỏ, với điều kiện các NĐT nước ngoài được quyền nắm cổ phần chi phối, thậm chí sở hữu 100% các ngân hàng này.

Với vị thế này, các NĐT nước ngoài có thể có tiếng nói quyết định trong việc quản trị ngân hàng, cải tổ con người, bộ máy, chính sách để xoay chuyển tình thế, đưa ngân hàng nhỏ thoát khỏi tình trạng yếu kém, nâng hạng tín dụng, tạo ra và gia tăng lợi nhuận.

Với quyết tâm của NHNN cải tổ hệ thống ngân hàng, các ngân hàng nhỏ và yếu kém sẽ tự thấy nhu cầu phải hợp nhất với các ngân hàng mạnh hơn hoặc bán cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài để lành mạnh hóa tình hình tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh.

 

Điều này đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới?

Đúng vậy. Vietinbank và BIDV đang lên kế hoạch bán cổ phần cho NĐT chiến lược. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, các ngân hàng trong nước sẽ tích cực tìm đến các NĐT chiến lược nước ngoài để tăng vốn và hoạt động hiệu quả hơn. Cuối cùng, việc NHNN có chủ trương cho phép các TCTD nước ngoài mua lại và gia tăng giới hạn sở hữu cổ phần tại các NHTMCP yếu kém sẽ tạo động lực cho các NĐT nước ngoài tích cực tham gia đầu tư.

Hiện tại, kinh tế vĩ mô bắt đầu có các dấu hiệu tích cực (tỷ giá bắt đầu bình ổn, lạm phát và thâm hụt thương mại có xu hướng giảm...), các NĐT nước ngoài đang cho thấy sự quan tâm trở lại đối với thị trường Việt Nam.

 

Ông có kiến nghị gì với NHNN nhằm giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn?

Việc đầu tiên cần làm là tăng cường tính minh bạch tài chính của các ngân hàng để các TCTD nước ngoài có thể hiểu rõ tình hình sức khỏe của từng ngân hàng và cảm thấy an tâm hơn khi đầu tư. NHNN đang có những bước đi đầu tiên đúng đắn của việc cải tổ hệ thống ngân hàng như phân loại các TCTD, điều đó góp phần làm thị trường lành mạnh hơn và các NĐT nước ngoài có cái nhìn rõ ràng hơn cho quyết định đầu tư của họ. Lộ trình cải tổ hệ thống ngân hàng cần phải được thực hiện nghiêm túc.

Trong đề án tái cấu trúc, nếu NHNN xem xét cho phép các TCTD nước ngoài được tham gia đầu tư và sở hữu tối đa 100% tại các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng sẽ giúp cho vốn đầu tư trong lĩnh vực này tăng lên.

Hiện tại, với tỷ lệ sở hữu tối đa 20%, các NĐT chiến lược nước ngoài không có nhiều sự khác biệt về mặt lợi ích so với các NĐT tài chính thông thường (15% trần tỷ lệ sở hữu). Trong khi đó, NĐT chiến lược có rất nhiều cam kết về hỗ trợ tài chính, công nghệ và con người.

Do đó, NHNN nên xem xét tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT chiến lược nước ngoài để tạo sự khác biệt giữa NĐT chiến lược và NĐT tài chính, khuyến khích các NĐT chiến lược tham gia đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam.