Vinashin vẫn “có phần” trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB

Vinashin vẫn “có phần” trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB

Đang có nợ xấu dẫn đầu khối ngân hàng niêm yết nhưng theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, đến cuối năm, SHB có thể đưa tỷ lệ này về dưới 5%.

 

Theo báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ xấu của SHB đến 30/6 đã trên 9%, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng và cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Đâu là nguyên nhân dẫn đễn những kết quả như vậy?

 

Từ khi nhận sáp nhập Habubank, tỷ lệ nợ xấu của SHB đã khá cao rồi, như cuối năm 2012 là khoảng 8,8%. Do đó, nếu so quý II/2013 với thời điểm này, nợ xấu chỉ tăng nhẹ. 6 tháng qua, nhiều khoản cho vay đồng tài trợ của Habubank trước kia quá hạn nên SHB phải chuyển nhóm nợ theo ngân hàng đầu mối. Tương tự với một số khoản nợ của Vinashin cũng phải chuyển lên nhóm nợ cao hơn khi phân loại.

 

Một nguyên nhân khách quan nữa là do tình hình kinh tế, hoạt động kinh doanh của các khách hàng khó khăn, dẫn đến việc họ vay mà không trả được nợ gốc và lãi đúng hạn.

 

 Vinashin vẫn “có phần” trong 5.000 tỷ đồng nợ xấu SHB ảnh 1

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê khẳng định không có chuyện ưu tiên xử lý nợ xấu doanh nghiệp Nhà nước khi bán cho VAMC. Ảnh: PV.

 

Đầu năm nay, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển khẳng định sẽ khống chế nợ xấu của SHB về dưới 5% nhưng đã hai quý liên tiếp, tỷ lệ này vẫn cao và nay lên gần 10%. Ông nghĩ sao khi nhiều người nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu trên?

 

Nửa năm nay SHB cũng đã dùng mọi biện pháp để dọn nợ xấu, từ xử lý tài sản đảm bảo, đánh giá lại tình hình sản xuất kinh doanh đến tái cấu trúc doanh nghiệp, hay thậm chí là "bách nghệ đòi nợ" như Chủ tịch Đỗ Quang Hiển từng chia sẻ. Bằng những giải pháp quyết liệt nên chúng tôi cũng xử lý thu hồi được gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu.

 

Đến hết 31/7, SHB cũng trích lập dự phòng rủi ro được 2.100 tỷ đồng và từ nay đến cuối năm sẽ cân nhắc dùng số này để xử lý nợ xấu. Vì thế tôi tự tin sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu của SHB giảm xuống dưới 5% đến cuối năm 2013, đúng như Chủ tịch Hiển cam kết.

 

Tại Đại hội cổ đông đầu năm, SHB nói còn hơn 4.000 tỷ nợ xấu là của Vinashin. Khoản nợ này đến nay đã được xử lý như thế nào?

 

Phần lớn các khoản vay phát sinh nợ xấu tại SHB đều đã có tài sản đảm bảo đầy đủ, trong đó hơn 60% là doanh nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản. Đương nhiên, dư nợ của Vinashin cũng được tính trong số 5.000 tỷ đồng nợ xấu hiện tại. Đối với các khoản cho vay này SHB đã phân loại nợ và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Việc chuyển đổi thành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh cũng đã được thực hiện. Trái phiếu này SHB sẽ dùng để vay vốn trên thị trường mở nếu cần. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện nhiều phương án xử lý khác theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với tập đoàn này.

 

Theo quy định, ngân hàng có nợ xấu hơn 3% sẽ phải bán nợ cho VAMC. Vậy SHB có kế hoạch ra sao và có ưu tiên bán nợ của doanh nghiệp Nhà nước trước?

 

Chúng tôi sẽ bán một phần nợ xấu cho VAMC và đang rà soát lại xem những khoản nợ xấu nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tư chính thức về quy định mua bán nợ xấu nên chưa thể nói chính xác SHB sẽ bán bao nhiêu cho công ty này.

 

Nếu bán nợ cho VAMC, SHB cũng không phân biệt nợ của doanh nghiệp Nhà nước hay các đối tượng khách hàng khác mà chỉ căn cứ vào việc chúng có đủ điều kiện để bán theo quy định mua bán của VAMC hay không.