Vietcombank năm 2018 đạt lợi nhuận hợp nhất hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 63% nhưng vẫn có 5 vấn đề cần lưu ý

(ĐTCK) Một trong những rủi ro là cho vay tập trung vào một số khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với dư nợ lớn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) cho biết, năm 2018 ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu trong khối các ngân hàng thương mại và cao hơn cả 2 ngân hàng đứng sau cộng lại.

Trong khi đó, nợ xấu của Ngân hàng ở mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất trong các tổ chức tín dụng Việt Nam là dưới 1%.

Vietcombank cũng đi đầu về quản trị rủi ro khi là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đầu tiên được áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đã được NHNN trao quyết định vào cuối tháng 11.

Trong năm 2018, Vietcombank cũng tăng cường huy động vốn không kỳ hạn và ngoại tệ đạt hơn 910.926 tỷ đồng, trong đó riêng huy động thị trường 1 đạt hơn 823.830 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017.

 Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank phát biểu khai mạc Hội nghị

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn bán buôn và bán lẻ lần lượt là 20,1% và 9,6%. Huy động từ khối FDI tăng 9% so với năm 2017. Tỷ trọng huy động vốn bán buôn tăng mạnh từ 37,6% lên 46,6%, tỷ trọng vốn không kỳ hạn tăng 14,2% và chiếm tỷ trọng 29,5% trong tổng nguồn vốn huy động. Huy động vốn ngoại tệ vượt 6,5 tỷ USD tăng 8,2% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 18,4%.

Dư nợ tín dụng ở mức hơn 635.452 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2017 và dưới mức trần định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng mạnh từ 39,6% lên 46,2%. Dư nợ khách hàng FDI tăng 6,4% đạt hơn 41.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,97% trên tổng dư nợ, với mức nợ xấu nội bảng ở mức 6.181 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.490 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 169,7% - cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.

Về khả năng sinh lời, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản ROAA đạt 1,37% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROAE đạt 25,42%. Tỷ lệ lợi nhuận biên (NIM) đạt 2,91%. Lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ Vietcombank đạt 18.016 tỷ đồng, còn hợp nhất là 18.356 tỷ, tăng hơn 63% so với năm 2017.

Kế hoạch năm 2019, tổng tài sản tăng thêm 12%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, tín dụng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm gắn liền với hiệu quả và chất lượng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN Việt Nam nhận định, chiến lược phát triển của Vietcombank đang được thực thi có hiệu quả và đúng hướng với những bước tiến vững chắc và an toàn, xứng đáng với vị thế là ngân hàng thương mại trụ cột của Việt Nam, phấn đấu có quy mô và hiệu quả hoạt động ngang tầm và đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong khu vực mà Chính phủ và NHNN giao cho Vietcombank.

 Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Tú, hoạt động của Vietcombank cũng còn một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro cần quan tâm xử lý trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, rủi ro tập trung tín dụng lớn khi Vietcombank cho vay tập trung vào một số khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với dư nợ lớn.

Thứ hai, tín dụng đầu tư vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như xây dựng, bất động sản, tiêu dùng, kinh doanh chứng khoán có xu hướng tăng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại có quy mô lớn, nhưng có chiều hướng gia tăng và tỷ trọng nợ nhóm 5 ở mức cao.

Thứ ba, một số khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro với số dư lớn. Hoạt động của một số công ty con, công ty liên kết chưa hiệu quả.

Thứ tư, quy mô tài sản tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn thấp so với các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn trong khu vực; quy mô vốn chưa tăng trưởng tương ứng, gây khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về mức độ an toàn vốn.

Thứ năm, công tác hiện đại hóa cả về mô hình tổ chức, chiến lược kinh doanh và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin của Vietcombank vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đòi hỏi Vietcombank phải quyết liệt và khẩn trương kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật, kiểm soát rủi ro và phát triển, đầu tư mạnh mẽ về công nghệ ngân hàng để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng.

Tin bài liên quan