Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không được có nợ xấu nhóm 3 - 5 tại các TCTD và VDB

Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không được có nợ xấu nhóm 3 - 5 tại các TCTD và VDB

VDB "đá bóng" trong bảo lãnh tín dụng?

(ĐTCK) Từ ngày 6/6/2014, Thông tư số 47/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho DNNVV vay vốn tại NHTM có hiệu lực thi hành.

VDB chỉ bảo lãnh DN “khỏe”

Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BTC, để được VDB bảo lãnh vay vốn, các DNVVN cần có đủ ba điều kiện. Thứ nhất, dự án đầu tư có văn bản chấp thuận cho vay của NHTM và được VDB thẩm định, xác định là dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Thứ hai, DN phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Quy chế bảo lãnh. Thứ ba, DN phải có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án và được đầu tư toàn bộ vào tài sản cố định, nguồn vốn này được phản ánh trên báo cáo tài chính tháng hoặc quý gần nhất với thời gian nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh và cam kết sử dụng dự án.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với yêu cầu dự án đầu tư của DN phải có văn bản chấp thuận cho vay của NHTM, dường như VDB đang đá “quả bóng” trách nhiệm sang phía các NHTM, trong khi các ngân hàng đang cần sự bảo lãnh của VDB mới quyết định cho vay. Quy định này cũng như quy định về vốn tham gia tối thiểu 15% sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng băn khoăn với quy định: tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và VDB, gồm các khoản nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định quá chặt chẽ

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, bảo lãnh là cứu sinh, dự phòng cho rủi ro tín dụng có thể xảy ra, nên với khách hàng đã được đánh giá là an toàn, không có nợ xấu hay nợ xấu có khả năng xảy ra, thì việc bảo lãnh của VDB là không cần thiết.

Thứ hai, khi nợ xấu xảy ra và khả năng không trả được nợ nên DN mới cần đến bảo lãnh, nhưng bị từ chối bởi lý do khách hàng có nợ xấu, khiến giá trị của bảo lãnh không còn, thậm chí áp dụng biện pháp này sẽ không phản ánh được bản chất thật của khoản nợ.

Thứ ba, xét ở khía cạnh rộng hơn, bảo lãnh của VDB là bảo lãnh của một TCTD. Về lâu dài, áp dụng một biện pháp bảo lãnh mà làm giảm đi giá trị nghiệp vụ bảo lãnh chung của hệ thống ngân hàng thì đây là điều đáng lo ngại.

“Nếu rủi ro xảy ra tại các TCTD do khách hàng vay vốn thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, khi mà bản thân VDB cấp một khoản bảo lãnh cũng đã phải đi xác minh thực trạng tài chính của khách hàng”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nêu quan điểm, trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn như vừa qua, phần lớn DNNVV đều rất vất vả trong duy trì hoạt động, việc VDB đứng ra bảo lãnh để các TCTD cho nhóm DN này vay vốn là rất cần thiết. Nhưng với điều khoản tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có nợ xấu tại các TCTD (từ nhóm 3 đến nhóm 5) thì cánh cửa vay vốn của các DN thực tế vẫn đang “đóng”, bởi đa số DN đều có nợ xấu tại ngân hàng.

“Đây có thể là VDB lo lắng về trách nhiệm và đẩy bóng sang ‘sân’ khác. Thông thường, nợ nhóm 1, 2 thì bản thân các TCTD đã tự tìm hiểu nguyên nhân và cho vay bình thường, chứ không cần thiết đến VDB bảo lãnh. Nếu DN không vay vốn được của ngân hàng và cần sự bão lãnh thì nên bỏ điều kiện liên quan đến nhóm nợ”, vị tổng giám đốc trên nói.

Trong một tương quan khác, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, quy định này cũng hợp lý, vì phù hợp với quy định có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích, VDB cũng có những điểm khó vì không thể bảo lãnh cho những DN mà sau này không thể trả được nợ, bởi thực chất của bảo lãnh chẳng qua là cho vay lại. Cần phải đứng ở vị trí VDB để nhìn nhận rằng, “van” này cũng có những điểm khá mỏng manh, nguy cơ tăng nợ xấu nếu cho vay những DN có nợ nhóm 4, 5, khả năng trả nợ thấp. Điều này liên quan đến trách nhiệm và vốn ở đâu để bảo lãnh. Bên cạnh đó, mặt được của Thông tư 47 là tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN khi VDB bảo lãnh cho DN khỏe mạnh nhưng không có hoặc thiếu tài sản thế chấp, hoặc thiếu một phần vốn.

“Để hỗ trợ việc cho vay đối với các DNNVV đang có nợ xấu tại các TCTD cũng như VDB, cần tính đến cách giải quyết nợ xấu. Theo đó, TCTD gom nợ xấu lại rồi bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), bởi dù nợ xấu vẫn còn đó nhưng được hạch toán và đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản tại một thời điểm nhất định nên DN không bị liệt kê vào nhóm có nợ xấu. Khi đó, VDB có thể đứng ra bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại các TCTD”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Xem ra, khi quả bóng trách nhiệm vẫn được đá qua, đá lại, việc tiếp cận tín dụng đối với khối DNNVV vẫn như “rừng mơ trước mặt” vậy.

Tin bài liên quan