“Hy vọng các ngân hàng Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ có những hành động hạn chế tương tự bởi để tài chính bền vững, đây là yếu tố cốt lõi trong chiến lược ngân hàng”, ông Beaufort nhấn mạnh.
Không khó hiểu khi ông Beaufort đưa ra nhận định trên, bởi thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mới có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng. Trong đó, chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, Viet A Bank, PVcombank, HSBC… Bên cạnh đó, mới có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng như HSBC, Standard Chartered..., các ngân hàng Techcombank, VietinBank mới xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội bằng văn bản.
Dẫu vậy, cũng có những tin vui khi dư nợ tín dụng xanh đang không ngừng tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý I/2018 dư nợ tín dụng xanh ở mức 188.270 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên hơn 250.000 tỷ đồng. Ðặc biệt, một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định số 1604/QÐ-NHNN về việc phê duyệt Ðề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được NHNN ban hành ngày 7/8/2018 đó là hạn chế, giảm cấp các khoản vay cho hoạt động gây hại cho môi trường
“Khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam với định hướng tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững gần đây đã có bước tiến quan trọng, với những định hướng, tín hiệu chính sách, hướng dẫn phù hợp từ NHNN… Các nỗ lực đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận như tại Báo cáo Tiến độ quốc gia gần đây của Mạng lưới ngân hàng bền vững và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam đã được xếp ở giai đoạn số 4, là mức rất tiên tiến”, TS. Michael Krakowski, Giám đốc, cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng xanh của GIZ cho biết.
Dù vậy, chặng đường phía trước được nhận định vẫn còn khá dài để tăng trưởng xanh và tài chính - ngân hàng xanh, bền vững trở thành xu thế mạnh mẽ tại Việt Nam. Ðể có thể đóng góp hiệu quả hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững và nền kinh tế xanh, các ngân hàng sẽ cần có chiến lược phù hợp với các mục tiêu này và thiết lập các chính sách, nguyên tắc và công cụ tương ứng để hỗ trợ.
Theo ông Krakowski, việc định hướng phát triển hệ thống ngân hàng bền vững ở Việt Nam không chỉ phù hợp với các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu của Chính phủ, mà còn phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam. Ðối với khu vực ngân hàng, điều này hàm ý đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động và dịch vụ ngân hàng, trong đó có ngân hàng số, ngân hàng điện tử và FinTech.
Ông Mark Gillin, đại diện AmCham chia sẻ, mặc dù lạc quan về những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và phát triển lĩnh vực kỹ thuật số, AmCham đang quan ngại về một số quy định gần đây về lĩnh vực thanh toán và FinTech.
Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và FinTech đang tăng trưởng nhanh sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp FinTech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.
“Nhìn chung, những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành và chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ FinTech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam”, ông Gillin nói.