Nguồn vốn ngân hàng năm nay khá tốt, nhưng không đồng nghĩa với “dễ vay”

Nguồn vốn ngân hàng năm nay khá tốt, nhưng không đồng nghĩa với “dễ vay”

Vay tiêu dùng, đo “độ nén” cuối năm

(ĐTCK) Cuối năm là mùa mua sắm, cưới hỏi, sửa chữa nhà cửa…, tất cả đều làm phát sinh nhu cầu tài chính. Vay ngân hàng là một giải pháp, nhưng cần nhớ rằng, ngân hàng không phải lúc nào cũng sẵn vốn giá rẻ cho vay.

Chị Nguyễn Minh Thanh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, sau khi xem chương trình khuyến mãi ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà của một ngân hàng V, chị đã tìm đến nhà băng này để được hỗ trợ vay vốn mua căn hộ chung cư cũng tại Thủ Đức.

Thế nhưng, câu trả lời chị nhận được từ nhân viên tín dụng của ngân hàng này là dự án đó không nằm trong danh sách liên kết, nên ngân hàng không hỗ trợ vốn. Nếu vay theo trường hợp bình thường (không liên kết với chủ đầu tư) thì thủ tục sẽ cần rất nhiều giấy tờ, thậm chí phải dùng tài sản khác làm tài sản đảm bảo vốn vay.

Sau khi nghe tư vấn thì chị Thanh đành phải tìm thông tin về ngân hàng mà chủ đầu tư ký liên kết hỗ trợ khách hàng để vay tiền. Thủ tục khá đơn giản vì ngân hàng chấp nhận chính tài sản mua làm thế chấp, chỉ phải chứng minh thu nhập và đưa hợp đồng mua bán là có được phương án vay, vấn đề lãi suất không có ưu đãi, trong khung 9-11%/năm, tùy điều kiện vay.

Một câu chuyện khác của anh Trần Hoàng Quang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), anh có nhu cầu sửa nhà và khoản vay chỉ khoảng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ngân hàng nơi gần công ty anh làm việc đã từ chối, với lý do hạn chế cấp vốn tín dụng, hạn chế rủi ro. Chuyển sang ngân hàng khác, thủ tục cũng khá phức tạp vì công ty anh quy mô nhỏ, không sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản, nên việc chứng minh thu nhập và mục đích vay làm rất chặt.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, không chỉ chờ tới cuối năm, mà “bài ca” khó tiếp cận vốn ngân hàng đã liên tục được nhắc đến.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn, khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Vấn đề này tồn tại đã khá lâu, trong đó có 3 khó khăn chính là thiếu tài sản đảm bảo, tài sản được định giá không đúng; uy tín và trách nhiệm trả nợ chưa cao; thời gian kinh doanh chưa dài.

Theo ông Hưng, so với trước đây, hiện các ngân hàng đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp. Cả hai đã tìm đến nhau, cùng bắt tay hợp tác, không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn, mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, thực trạng ngân hàng “thừa” – doanh nghiệp “thiếu” vốn vẫn còn tồn tại khá phổ biến.

Thực tế, đặc thù vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ có tính chất mùa vụ lớn hơn doanh nghiệp lớn, là những doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng. Tính mùa vụ thể hiện rõ với các doanh nghiệp thương mại, cần vốn để nhập hàng cuối năm, những doanh nghiệp thường có đơn hàng tăng lên vào cuối năm (quà tặng, biếu, cung cấp vật liệu, vật tư…).

Để giải quyết vấn đề vốn doanh nghiệp cuối năm, ghi nhận năm nay từ thực tế thị trường chưa thấy căng thẳng, vì các ngân hàng cho biết thanh khoản khá dồi dào, tuy nhiên, để có những sự hỗ trợ về thủ tục và lãi suất thì gần như chưa.

Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, năm nay rất khó kiếm các chương trình cho vay hỗ trợ, kể cả hỗ trợ xuất khẩu. Doanh nghiệp ông có đơn hàng đi Mỹ, hỏi hầu hết các “mối quen” từ các ngân hàng, nhưng toàn bộ đều “lắc đầu”.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, năm nay các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ không khó khăn trong tiếp cận vốn vay, kể cả thời điểm cuối năm, vì ngành ngân hàng đang thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu mức tăng tín dụng toàn ngành đạt 22%.

“Thực tế thì các ngân hàng thương mại đang nhận được sự hỗ trợ thanh khoản khá tốt thông qua huy động vốn cả thị trường dân cư và thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, vay được hay không vẫn là câu chuyện muôn thủa, bởi cần điều kiện cốt yếu: Phương án trả nợ tốt”, vị lãnh đạo này nói và cho biết: “Điều kiện cho vay của các ngân hàng rất chặt sau giai đoạn nợ xấu vừa qua, dù ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng tìm được khách hàng không dễ”

Theo thống kê, tín dụng toàn ngành đến thời điểm cuối tháng 9/2017 đã đạt mức tăng trưởng dư nợ trên 12% và chiếu theo mục đích đưa ra đầu năm, thì dư địa còn lại khoảng 6% để ngành phát triển trong quý còn lại của năm. Còn nếu theo mục tiêu của Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2017 ở mức 21%, thì dư địa còn lại cho quý cuối năm là khá lớn.

Tin bài liên quan