Vay 6%/năm để gửi lại ngân hàng... 7%/năm!

Vay 6%/năm để gửi lại ngân hàng... 7%/năm!

Có hiện tượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất 6%/năm, sau đó đi gửi tiết kiệm với lãi suất trên 7%/năm để hưởng chênh lệch.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank cho hay, trước sức ép tăng tín dụng và hạ lãi suất hiện nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất cho vay về mức 6%/năm. Nhưng điều đáng lo là, có doanh nghiệp đã lợi dụng lãi suất cho vay thấp để đi vay lãi suất 6%, sau đó gửi tiết kiệm với lãi suất trên 7%/năm để ăn chênh lệch, chứ không đưa tiền vào sản xuất - kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có nhiều gói cho vay lãi suất thấp thận trọng trả lời: “Chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp nào ăn gian lãi suất như vậy. Tất nhiên, không loại trừ khả năng này xảy ra, bởi thực tế, ngân hàng chỉ quản lý được chưa tới 10% dòng vốn của khách hàng sau khi giải ngân. Có điều, tôi nghĩ, đây chỉ là trường hợp cá biệt, bởi doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 5,8 - 6%/năm thường được ngân hàng thẩm tra rất kỹ, phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe, đặc biệt là phải có chiến lược, dự án kinh doanh khả thi thì mới được giải ngân”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc doanh nghiệp lợi dụng lãi suất cho vay rẻ, vay ngân hàng sau đó gửi tiết kiệm để ăn chênh lệch hoàn toàn có thể diễn ra. Thực tế, tình trạng này đã từng diễn ra năm 2009 - 2010, khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 4%, nhiều doanh nghiệp được vay vốn giá rẻ đã không đưa vào sản xuất - kinh doanh, mà cho vay lại hoặc gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao.

“Để đảm bảo vốn rẻ thực sự chảy vào sản xuất, không chảy vào đầu cơ hoặc chảy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, thì phải quản lý được dòng tiền. Đáng lẽ, vốn giải ngân đến đâu, ngân hàng phải biết đến đó, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay giống như hệ thống cầm đồ: cho vay dựa vào tài sản thế chấp, chứ không theo dự án. Đáng lẽ, doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng, thì ngân hàng mới rót vốn, nhưng thực tế, ngân hàng chỉ nắm tài sản thế chấp, rồi doanh nghiệp vay làm gì thì không cần biết. Cho nên, dẫu vốn có rẻ thì tiền có chảy vào sản xuất hay không, cũng chẳng ai biết”, ông Thành nói.

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt về tín dụng, tranh giành khách vay. Nếu ngân hàng có tiền gửi tiết kiệm vãng lai nhiều, giá vốn huy động có thể chỉ khoảng 4%/năm, thì cho vay với lãi suất 6%/năm là đã có lời. Do đó, chỉ cần khách hàng tốt, ngân hàng không ngại ngần cho vay, kể cả khi không giám sát được dòng vốn.

Cũng theo vị chuyên gia trên, số doanh nghiệp được vay với lãi suất 6%/năm chủ yếu là các doanh nghiệp tốt. Tuy vậy, với tình hình sản xuất - kinh doanh hiện nay, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp này chưa hẳn đến nỗi cấp bách. Thậm chí, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp có dự án, hợp đồng thật, thì việc họ có cần tiền tới mức đi vay ngân hàng hay không cũng là việc khó xác định.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, một số ngân hàng đang lách trần huy động khi huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) với mức lãi suất lên tới 8,5 - 9%/năm. Đây chính là kẽ hở để doanh nghiệp tính chuyện trục lợi bằng cách vay vốn với lãi suất thấp rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2014, nếu có điều kiện, hệ thống ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất cho vay 1 - 2% nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay cả khi mặt bằng huy động vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, cùng với việc hạ lãi suất, ngành ngân hàng cũng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ dòng vốn vay. Nếu có tình trạng ăn gian lãi suất, cần chặn đứng ngay, nếu không, dòng tín dụng vốn đã tăng chậm, lại chảy sai chỗ có thể tác động xấu tới nền kinh tế.

Tin bài liên quan