Vàng tuần 7-11/4: Dò tìm xu hướng

(ĐTCK) Các nhà giao dịch vàng sẽ theo dõi các dữ liệu kinh tế Mỹ và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine trong tuần này để xác định xu hướng giá vàng, theo các nhà phân tích. Ngoài ra, họ cũng sẽ để ý diễn biến giá khi các đường trung bình động lên xuống quanh mức giá thị trường.
Vàng tuần 7-11/4: Dò tìm xu hướng
Giá vàng giao tháng 6 đã chốt tuần qua ở mức cao 1.303,5 USD/ounce, tăng 18,9 USD trong phiên này và tăng 9,2 USD so với tuần trước đó.

Vàng đã tăng giá ở các thị trường châu Á và châu Âu hôm thứ Sáu tuần trước, sau đó leo lên cao hơn trong giờ giao dịch Bắc Mỹ sau khi báo cáo việc làm Mỹ được công bố.

Chính phủ Mỹ đã công bố bảng lương phi nông nghiệp tăng 192.000 việc làm trong tháng 3, thấp hơn mức kỳ vọng từ 195.000 - 200.000 đơn vị. Mức việc làm tăng thêm trong hai tháng trước đó cũng được điều chỉnh thêm tổng cộng 37.000 đơn vị. Tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 6,7% trong khi được kỳ vọng giảm xuống 6,6%.

Dữ liệu đó đã kích hoạt một số lệnh mua để thanh toán các lệnh bán khống trước đó cùng với các lệnh mua mới, Sean Lusk, Giám đốc phòng vệ thương mại của Walsh Trading nói.

Richard Baker, người sáng lập của tờ Eureka Miner's Market Report, bình luận, báo cáo việc làm chỉ thấp hơn một chút so với kỳ vọng, nhưng điều đó cũng đủ để thúc đẩy giá vàng.

“Lo lắng về việc thắt chặt tiền tệ của Fed đã giảm và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine vẫn âm ỉ sẽ hỗ trợ giá vàng tuần tới”, Baker nói. “Mức giá mục tiêu của tôi trong tuần tới vì thế tăng lên, có thể thử ngưỡng kháng cự kỹ thuật 1.320 USD/ounce”.

Theo khảo sát của Kitco News, 11 trong số 18 người trả lời cho rằng, giá sẽ tăng trong tuần này, 5 người đoán giá giảm và 2 người đoán giá đi ngang.

“Các nhà giao dịch sẽ đặc biệt quan sát xem các dữ liệu kinh tế có phần tích cực vừa qua sẽ tác động thế nào đến đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”, Robin Bhar, nhà phân tích kim loại ở Societe Generale nói. Đồng USD tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng.

Nhiều sự kiện kinh tế của quý II sẽ bắt đầu tuần trong tuần tới, trong đó có việc công bố biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed hồi tháng 3. Sau biên bản này, thị trường sẽ đón nhận số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp và Chính phủ Mỹ sẽ công bố ngân sách hàng tháng vào thứ Năm.

Vàng SJC lấy lại những gì đã mất đầu tuần

Tại thị trường trong nước, cú tăng vọt trong những ngày cuối tuần qua cũng đã giúp giá vàng SJC khép lại một tuần ở mức cao hơn cuối tuần trước đó. Theo đó, chỉ trong hai ngày 4 và 5/4, giá vàng thương hiệu quốc gia đã tăng tổng cộng 200.000 đồng/lượng lên 35,55 - 35,62 triệu đồng/lượng, cao hơn 50.000 đồng/lượng so với giá chốt tuần trước đó.

Chốt tuần qua, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 33,75 - 34,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn tuần trước đó 400.000 đồng/lượng. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 33,38 - 33,93 triệu đồng/lượng, thấp hơn 60.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.

USD trong nước ở xu hướng giảm

Diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường ngoại tệ trong tuần qua là việc giá USD do Vietcombank niêm yết giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/1 khi còn 21.075 - 21.115 đồng/USD vào ngày 3/4. Tuy nhiên, ngay ngày sau đó, giá đã tăng trở lại 21.080 - 21.120 đồng/USD, thấp hơn 5 đồng/USD so với cuối tuần trước đó.

Giá USD tự do tuần qua giảm còn 21.090 - 21.110 đồng/USD vào ngày 3/4 rồi duy trì qua ngày 4/4. Thấp hơn 10 đồng/USD so với cuối tuần trước đó.

Với các ngoại tệ khác, toàn bộ giảm giá. Trong đó, JPY giảm cách xa so với phần còn lại với mức giảm 1,83%. AUD giảm mạnh thứ hai nhưng chỉ -0,48%; tiếp đến là CHF với -0,35%; CAD với -0,34%...

Trên thị trường quốc tế, cặp EUR/USD tăng đầu tuần, giảm cuối tuần, chốt tuần ở mức 1,3701 so với mức cao trong tuần là 1,3819 và mức cuối tuần trước đó là 1,3751. Cặp USD/JPY cũng có diễn biến tương tự song tăng mạnh, giảm yếu. Chốt tuần, cặp tỷ giá này ở mức 103,26 so với mức cao trong tuần là 104,12 và mức chốt tuần trước đó là 102,81.
Tin bài liên quan