Vàng chưa có “cửa” để đi lên?

Vàng chưa có “cửa” để đi lên?

(ĐTCK) Những nỗ lực trong phiên giao dịch châu Á ngày 15/7 của giá vàng đã bị xóa bỏ hoàn toàn trong phiên giao dịch New York.

Trong phiên giao dịch hôm qua (15/7), giá vàng thế giới gắng gượng đi lên sau khi lao dốc không phanh trong phiên 14/7. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, áp lực bán mạnh đã lấy hết toàn bộ nỗ lực trong phiên giao dịch châu Á, thậm chí còn kéo tuột giá kim loại quý này xuống mức thấp nhất 3 tuần.

Thị trường bước vào phiên giao dịch ngày 15/7 với sự chú ý hướng về Capitol Hill, nơi Chủ tịch FED Janet Yellen đang có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin bà Yellen cung cấp đúng như dự đoán trước đó của giới đầu tư và gần như không mấy tác động tới thị trường. Giá vàng vẫn lình xình trong phần lớn thời gian của phiên sáng trên thị trường Mỹ, trước khi “đổ đèo” do lực bán kỹ thuật.

Ngay sau khi giá vàng mất mốc 1.300 USD/ounce, lệnh bán tự động đã được kích hoạt, kéo giá kim loại quý này giảm mạnh hơn và đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tuần, cách xa đỉnh tạo lập tuần trước 4%.

Đóng cửa phiên 15/7, giá vàng giao ngay giảm 13,20 USD (-1,01%), xuống 1.293,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 9,6 USD (-0,73%), xuống 1.297,1 USD/ounce.

Giới phân tích cho rằng, cần có thông tin hỗ trợ đủ mạnh để giúp giá vàng hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm mạnh, đặc biệt là phiên lao dốc đầu tuần của giá vàng. Những thông tin mà giới phân tích và đầu tư đang hướng tới chính là 4 “ngọi lửa” là cuộc khủng hoảng nợ công của eurozone, nội chiến tại Iraq, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và cuộc xung đột tại dải Gaza. Nếu một hoặc nhiều hơn trong 4 ngọi lửa này bùng cháy, thì giá vàng sẽ có động lực để đi lên. Tuy nhiên, hiện cả 4 ngọn lửa này vẫn chỉ đang âm ỷ cháy, chưa bùng lên, nên giá vàng phải hướng tới các thông tin hỗ trợ khác.

Thông tin mới nhất được công bố có thể hỗ trợ giá vàng là chỉ số ZEW về niềm tin của người tiêu dùng Đức giảm mạnh xuống 27,1 trong tháng 7, từ mức 29,8 trong tháng 6, thấp hơn cả mức dự báo 28 của giới phân tích. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này giảm và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.

Hôm thứ Hai, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hối thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế và tránh giảm phát cho khu vực Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, nếu ECB tiếp tục nởi lỏng tiền tệ, đồng Euro sẽ giảm so với đồng USD và khi đó lại gây áp lực lên giá vàng.

Do chưa nhận được thông tin hỗ trợ, nên giá vàng trong phiên giao dịch hôm nay (16/7) trên thị trường châu Á chỉ lình xình dưới mốc 1.300 USD/ounce và chưa có dấu hiệu đi lên. Tính tới 16h hôm nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.296,7 USD/ounce, tăng nhẹ 3,1 USD/ounce (+0,24%) so với giá đóng cửa trước đó trên thị trường Mỹ. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1 USD (0,08%), đứng ở mức 1.281,1 USD/ounce.

Trên thị trường vàng trong nước, diễn biến của phiên hôm qua lại được lặp lại. Giá vàng SJC mở cửa giảm 170.000 đồng/lượng do ảnh hưởng của giá vàng thế giới giảm tối qua trên thị trường Mỹ và sau đó nhanh chóng hồi lại khi giá vàng trên thị trường châu Á nhích nhẹ. Đến 16h, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,66 - 36,78 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với chiều qua.

Giá vàng PNJ-DAB cũng giảm 170.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với chiều qua, đứng ở mức 34,23 - 34,43 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm mạnh hơn với mức giảm 230.000 đồng ở cả 2 chiều, xuống 33,64 - 34,09 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại hối, sau khi tăng nhẹ trong ngày 15/7, giá USD do Vietcombank niêm yết hôm nay không thay đổi, vẫn ở mức 21.180 - 21.230 đồng/USD, trong khi trên thị trường tự do, mức mua vào tăng nhẹ 5 đồng, lên 21.215 đồng/USD, trong khi chiều bán ra vẫn giữ ở mức 21.230 đồng/USD.

Trên thị trường hối đoán quốc tế, đồng USD tiếp tục tăng so với các đồng tiền mặt khác. Trong đó, cặp EUR/USD giảm 0,15%, xuống 1,3546, cặp USD/JPY tăng 0,03%, lên 101,69.

Tin bài liên quan