2018 là năm thứ 5 liên tiếp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm

2018 là năm thứ 5 liên tiếp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm

Vẫn cần liên tục cảnh báo rủi ro tín dụng chứng khoán, bất động sản

(ĐTCK) Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2018 tuy chậm so với cùng kỳ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao trên 5% trong 2 năm qua, chứng tỏ tín dụng vẫn tăng đều từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý. Theo giới chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% đã đề ra, vấn đề cần quan tâm nhất trong những tháng tới không phải là tốc độ tăng trường, mà là chất lượng tín dụng.

4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 4/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, tín dụng ước tăng trưởng 4,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,6%). Còn ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 4/2018, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%, tương đương với mức cùng kỳ năm 2017.

Thống kê trên cho thấy, tuy mức tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng đây là năm thứ 5 liên tiếp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm, cụ thể: Năm 2016 tăng 3,27%, năm 2015 tăng 3,53%, năm 2014 tăng 0,7%.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, hoạt động cho vay cũng tăng thấp hơn so với huy động. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank cuối quý I/2018 đạt 816.310 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3%, trong khi huy động tiền gửi đạt 789.272 tỷ đồng, tăng 4,8%. Dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 209.680 tỷ đồng, tăng trưởng 6,6%, trong khi huy động tiền gửi khách hàng tăng 7%, đạt 258.253 tỷ đồng. Còn tại Eximbank, cho vay khách hàng tính đến 31/3/2018 đạt 99.499 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 0,8% so với thời điểm 31/12/2017 là 100.268 tỷ đồng.

Nhận định về tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu tăng trưởng tín dụng trong quý I/2018 tuy chậm, nhưng không đáng lo. Điều cần quan tâm nhất là củng cố lại chất lượng tín dụng, đảm bảo dòng vốn đi vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, mang lại giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế.

Ông Phạm Thanh Hà cho rằng, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Thực tế, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng trên 5% là hợp lý và tương đối đồng đều so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn nhằm đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống, cũng như mặt bằng lãi suất luôn được ổn định.

“Trước đây, chúng ta thường thấy tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại ở thời điểm này. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tín dụng đều tăng trưởng trên 5% và là mức khá cao so với các năm trước đây, thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm.

Điều này chứng tỏ tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN cũng liên tục cảnh báo các TCTD để đảm bảo chất lượng tín dụng”, ông Hà nói.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM khá thận trọng khi đề cập đến câu chuyện tín dụng của năm 2018.

“Cơ quan quản lý liên tục cảnh báo về cho vay đối với lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản…, thậm chí sẵn sàng can thiệp trực tiếp trong trường hợp cần thiết, cho nên các ngân hàng phải tập trung vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tín dụng cho các lĩnh vực vốn được nhìn nhận đem lại 'món hời' cho ngân hàng sẽ chững lại, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sắc nét. Bởi vậy, lợi nhuận ngân hàng đến từ hoạt động cho vay trong năm 2018 là câu chuyện khó dự báo trước”, vị lãnh đạo này nhìn nhận.

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể, tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực công nghiệp tăng lên 22,1% (cuối năm 2017 là 19,7%), trong khi tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,5% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay các ngành nghề khác ổn định.

Cần giảm sức ép về chính sách tín dụng

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, thị trường tài chính Việt Nam được cấu phần bởi thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tín dụng ngân hàng giữ vai trò chủ đạo.

Theo đó, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng chiếm tới 85% trong giai đoạn 2012-2016. Năm 2017, tổng tài sản của các TCTD chiếm 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 2,8%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1%. Con số này cho thấy sự phụ thuộc lớn của hệ thống tài chính Việt Nam vào hệ thống ngân hàng thương mại.

“Năm 2017, quy mô dư nợ tín dụng đã gấp 1,26 lần so với GDP và mức mở rộng cung tiền đạt khoảng 1,68 lần GDP. Điều này khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại những năm qua phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế và có thể tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống.

Trong khi đó, năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại còn thấp, quản trị rủi ro còn yếu, nợ xấu ngân hàng còn cao, khiến cho việc giảm lãi suất trong thời gian qua trở nên khó khăn”, TS. Phước nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích, quy mô tín dụng của các TCTD khá lớn tính đến cuối năm 2017, tương đương 130% GDP, tức khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, so với GDP của Việt Nam là 5 triệu tỷ đồng. Đây chưa phải là mức quá lớn, nhưng rõ ràng là mức tương đối cao so với các nước cùng thu nhập trung bình thấp. Bởi vậy, việc định hướng quy mô tín dụng trong thời gian tới là cần thiết.

Cũng theo ông Lực, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá nhanh trong vòng 5 năm qua với mức bình quân khoảng 16%, trong khi mức tăng vốn chủ sở hữu không tương ứng, chỉ ở mức 9-10%, khiến cho hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại khó đáp ứng được chuẩn Basel II. Đây cũng là khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế đối với câu chuyện tăng trưởng tín dụng cao ở Việt Nam.

“Có thể khẳng định, tín dụng đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, song song với việc tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng, thị trường vốn Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn dựa trên 3 mục tiêu: Giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn ngân hàng để thị trường tài chính cân bằng, bền vững hơn; giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng về chính sách tín dụng; tạo thêm nguồn vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, bởi thực tế, hệ thống ngân hàng không thể lo hết nguồn vốn này, trong khi bản chất ngân hàng huy động vốn ngắn hạn là để cho vay ngắn hạn”, TS. Lực nói.

TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng tiền tệ chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy NHNN đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 16-17%, nhưng để bù lại, tốc độ tăng trưởng tiền tệ cần thận trọng hơn và tập trung vào chất lượng tăng trưởng.

Tin bài liên quan