USD tiếp chuỗi ngày giảm giá, vì sao tỷ giá USD/VND vẫn đứng im?

USD tiếp chuỗi ngày giảm giá, vì sao tỷ giá USD/VND vẫn đứng im?

Trong khi nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới như euro, USD, yên Nhật… tăng giảm tới trên dưới 10% từ đầu năm đến nay, thì tỷ giá trong nước gần như không thay đổi. Vì sao vậy?

Euro tìm thời hoàng kim, USD liên tục tuột dốc

Trên thế giới, USD đang kéo dài chuỗi ngày giảm giá liên tiếp 6 tháng, trong khi euro phục hồi mạnh mẽ. Kết thúc tháng 8/2017, euro có mức giá cao nhất trong vòng hơn 2,5 năm qua. Nếu đầu năm nay, mỗi euro chỉ tương đương 1 USD, thì hiện đổi được 1,2 USD.

Tại Hội nghị Ngân hàng trung ương thường niên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức mới đây, việc cả lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lẫn Fed đều không đả động gì tới tỷ giá của hai đồng tiền này cho thấy, ECB vẫn để euro đi lên, trong khi Fed thận trọng chưa dám tăng lãi suất. Đây là lý do khiến xu hướng tăng giá của euro và giảm giá của USD tiếp diễn.

Tính từ đầu năm đến nay, euro tăng giá 15%, bảng Anh tăng 5%, yên Nhật tăng 7,8%, nhân dân tệ (CNY) giảm 4,5%, trong khi USD giảm giá gần 10%.

Lý giải việc giảm giá của USD, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ Fed chần chừ giảm lãi suất, trong khi nhiều chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa được thực thi…

USD giảm đang tạo thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong điều hành tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm hầu như không thay đổi. Được biết, hiện NHNN vẫn tính tỷ giá trung tâm dựa vào 8 đồng tiền: USD, bath, euro, CNY, đô-la Singapore, yên Nhật, won Hàn Quốc, đô-la Đài Loan. NHNN không cho biết hệ số tính toán của từng đồng tiền, song chắc chắn USD, chiếm hệ số không nhỏ.

NHNN giữ chính sách tỷ giá thận trọng

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới biến động khá mạnh, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu nước ta không bị ảnh hưởng nhiều, bởi giao dịch chủ yếu vẫn bằng USD, trong khi tỷ giá trong nước giữ ở mức ổn định từ đầu năm đến nay.

Kết thúc tháng 8/2017, euro có mức giá cao nhất trong vòng hơn 2,5 năm qua. Nếu đầu năm nay, mỗi euro chỉ tương đương 1 USD, thì hiện đổi được 1,2 USD.   

Tuy tỷ giá trong nước giữ nguyên là “bất thường” so với sự biến động chóng mặt của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, song các chuyên gia cho rằng, điều này phù hợp với điều kiện Việt Nam - sự ổn định kinh tế vĩ mô chiếm vị trí quan trọng nhất.

Hơn nữa, sự thận trọng của NHNN trong điều chỉnh tỷ giá cũng rất dễ hiểu, bởi theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, có rất nhiều yếu tố đang đe dọa đến tỷ giá như nhập siêu tăng, ODA giảm, Fed có thể tăng lãi suất…, khiến NHNN không thể chủ quan.

TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo, USD đã giảm quá sâu so với euro và Mỹ có thể sẽ không để tình trạng này kéo dài. Một khi chính sách của Mỹ thay đổi, sự tác động đối với tỷ giá toàn cầu là rất lớn. Vì vậy, Việt Nam không thể không dè chừng.

Trong bối cảnh USD liên tục giảm, tỷ giá trong nước ổn định, dự trữ ngoại tệ quốc gia tương đối dồi dào, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, NHNN nên áp dụng lãi suất tiền gửi trở lại với USD để thu hút nguồn lực này vào phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, NHNN đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để chống đô-la hóa. Đến nay, tỷ lệ đô-la hóa nền kinh tế đã giảm khá mạnh. Cơ quan này lo ngại, việc áp dụng lãi suất tiền gửi trở lại với USD có thể khiến tình trạng đô-la hóa quay lại, gây áp lực cho tỷ giá và cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo TS. Trần Hoàng Ngân, nâng lãi suất lên 0,25% cũng không phải là giải pháp quyết định đối với huy động tiền gửi ngoại tệ. Bởi nếu muốn gửi tiền để lấy lãi, người dân có thể quy đổi ra tiền đồng để gửi với lãi suất cao hơn rất nhiều.

Điều quan trọng nhất đối với huy động tiền gửi ngoại tệ trong dân hiện nay chính là phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân đổ vào sản xuất - kinh doanh, thay vì “chôn” vốn trong ngoại tệ, vàng.

Chưa kể, việc tăng lãi suất USD cũng có thể gây tác động ngược lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng. Điều này lý giải tại sao, NHNN im lặng với đề nghị áp dụng lãi suất trở lại với USD. Bởi mục tiêu cao nhất của cơ quan này là ổn định vĩ mô, trong đó có bảo đảm giá trị tiền đồng và ổn định tỷ giá.

Tin bài liên quan