Ông Tạ Ngọc Đa

Ông Tạ Ngọc Đa

Triển khai Basel II, ngân hàng sẽ tiết kiệm được chi phí

(ĐTCK) “Lợi ích đầu tiên và lớn nhất mang lại cho các ngân hàng khi triển khai dự án Basel II là thiết lập được hệ thống quản trị rủi ro (QLRR) hiện đại, tiên tiến và đồng bộ, nhất quán, bao trùm các mặt rủi ro trọng yếu của hoạt động kinh doanh của các ngân hàng”.

Đó là chia sẻ của ông Tạ Ngọc Đa, Giám đốc khối Quản lý rủi ro Maritime Bank với ĐTCK.

Khó khăn, thuận lợi đối với Maritime Bank khi bắt đầu triển khai Basel II là gì?

Được NHNN chọn là 1 trong 10 ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam triển khai chuẩn mực Basel II, Maritime Bank rất tự hào và cũng đánh giá được các thách thức không hề nhỏ khi triển khai dự án này. Các khó khăn chủ yếu xuất phát từ thực tế chuẩn mực Basel II tuy đã được thiết lập và áp dụng khá lâu trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển, nhưng lại hoàn toàn mới tại Việt Nam. Do đó, các ngân hàng TMCP Việt Nam nói chung và Maritime Bank nói riêng không tránh khỏi việc chưa có kinh nghiệm khi triển khai dự án, trong khi phạm vi ảnh hưởng của nó đối với các ngân hàng là rất lớn.

Ngoài các nội dung theo chuẩn mực quốc tế, có nhiều nội dung Ủy ban Basel khuyến nghị việc tùy biến hợp lý theo điều kiện của từng quốc gia, nền kinh tế. Do vậy, việc đề xuất một kế hoạch triển khai tổng thể vừa bảo đảm các nội dung cốt lõi của Basel II, vừa phù hợp và mang tính khả thi với điều kiện đặc thù và định hướng của Việt Nam là một khó khăn thực sự, có lẽ với nhiều ngân hàng TMCP khác trên thị trường, chứ không riêng Maritime Bank.

Dù vậy, Maritime Bank vẫn có những thế mạnh và thuận lợi riêng để làm nền tảng cho việc triển khai dự án. Trước hết là sự ủng hộ và hỗ trợ cao của NHNN, sự thống nhất về mặt ý chí và ủng hộ mạnh mẽ và tuyệt đối của các lãnh đạo cấp cao nhất của Ngân hàng ngay từ đầu. Điều này thể hiện trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng và tính tất yếu của việc áp dụng hệ thống QLRR hiện đại, tiên tiến, cũng như những lợi ích không nhỏ mà dự án đem lại. Từ đó, Maritime Bank đã có sự chuẩn bị cẩn thận về mặt nguồn lực đối ứng khi làm việc với đơn vị tư vấn để nâng cao năng lực chất lượng nhân sự, sẵn sàng cho việc triển khai sau này.

Do đó, mặc dù thời gian yêu cầu nộp báo cáo đánh giá GAP (30/6/2014) và kế hoạch lấp GAP tổng thể (30/9/2014) thực sự là một thách thức không nhỏ, Maritime Bank cũng đã hoàn thành tốt những yêu cầu này, chuẩn bị cho việc triển khai khi được NHNN phê duyệt kế hoạch tổng thể. 

Maritime Bank đã dự tính được chi phí phải trả cho việc thực hiện Basel II là bao nhiêu chưa, thưa ông?

Do Maritime Bank mới ở giai đoạn phân tích GAP và lên kế hoạch tổng thể lấp GAP nên chưa có con số chi phí cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của một số TCTD đã triển khai dự án Basel II tại khu vực châu Á thì tổng chi phí sẽ dao động từ 15 đến 40 triệu USD, tùy theo quy mô, mức độ và yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước. 

Lợi ích của việc thực hiện Basel II đối với Maritime Bank là gì?

Lợi ích đầu tiên và lớn nhất mang lại cho các ngân hàng khi triển khai dự án Basel II chính là thiết lập được hệ thống QLRR hiện đại, tiên tiến và đồng bộ, nhất quán, bao trùm các mặt rủi ro trọng yếu của hoạt động kinh doanh của các ngân hàng: tín dụng, thị trường, thanh khoản, hoạt động. Từ đó, các ngân hàng sẽ tiết kiệm được các chi phí rủi ro (chi phí vốn) một cách hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo hoạt động của mình được an toàn, đáp ứng và tuân thủ theo các chuẩn mực QLRR của thế giới, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia và quốc tế.

Có điểm gì quan ngại khi thực hiện Basel II mà Maritime Bank muốn kiến nghị với cơ quan quản lý?

Do đây là một dự án lớn, có ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên rất mong NHNN có đánh giá, góp ý điều chỉnh các báo cáo phân tích GAP và kế hoạch triển khai tổng thể lấp GAP của các ngân hàng nói chung và Maritime Bank nói riêng. Bên cạnh đó, NHNN cũng nên đưa ra các văn bản hướng dẫn chi tiết về mặt yêu cầu nội dung để ngân hàng căn cứ thực hiện cũng như có lộ trình triển khai phù hợp, để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn Basel cho thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Tin bài liên quan