Tổng giám đốc SHB: Sẽ giảm nợ xấu dưới 5%

Tổng giám đốc SHB: Sẽ giảm nợ xấu dưới 5%

(ĐTCK) Dù nợ xấu vẫn ở mức cao, nhưng ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, Ngân hàng tự tin sẽ đạt được mục tiêu cuối năm giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 5% tổng dư nợ.

Một năm sau ngày nhận sáp nhập Habubank (28/8/2012), tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ở mức tương đối cao.    

Thưa ông, một năm sau ngày SHB nhận sáp nhập Habubank, ông đánh giá thế nào về thực tế triển khai so với kỳ vọng ban đầu?

Có rất nhiều thay đổi trong 1 năm qua. Trước hết là vốn điều lệ, mạng lưới hoạt động kinh doanh, tổng tài sản, hệ thống khách hàng, thị phần... của SHB tăng lên. Nếu không sáp nhập, để đạt quy mô kinh doanh này, SHB phải mất khoảng 5 năm.

Hiện nay, có thể khẳng định, giai đoạn khó khăn nhất hậu sáp nhập đã đi qua và chỉ còn một số vấn đề chúng tôi tập trung giải quyết như: thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của các đơn vị kinh doanh mới sau khi nhận sáp nhập vào SHB; quy hoạch lại mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch mới để phù hợp với chuẩn nhận diện thương hiệu chung của hệ thống SHB...

Một vài con số sau sáp nhập 1 năm qua cũng làm rõ hơn cái “được” của SHB: Đến 30/6/2013, tổng tài sản của SHB đạt 104.524 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 92.632 tỷ đồng, trong đó vốn huy động thị trường 1 đạt 79.479 tỷ đồng; dư nợ cho vay cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 58.478 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2012; lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng. Cũng tính đến thời điểm 30/6, SHB có 329 điểm giao dịch tại 27 tỉnh, thành trong nước và chi nhánh tại Lào, Campuchia với  gần 2 triệu khách hàng cá nhân và DN.

Tổng giám đốc SHB: Sẽ giảm nợ xấu dưới 5% ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết, 6 tháng đầu năm, SHB đã xử lý, thu hồi được 2.926 tỷ đồng nợ xấu

Một vấn đề quan trọng sau khi nhận sáp nhập Habubank là chúng tôi đã tích hợp thành công hệ thống corebanking của Habubank vào corebanking của SHB và kể từ đầu tháng 5/2013, cả hệ thống SHB hoạt động trên nền tảng một hệ thống công nghệ hiện đại, bảo mật và đồng bộ.

 

Thương hiệu SHB được nhận diện nhiều hơn sau hoạt động sáp nhập này, nhưng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế lại giảm nhẹ. Ông có thể cho biết lý do?

6 tháng đầu năm, lượng vốn khả dụng thừa của SHB là khá lớn, thanh khoản luôn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tổng huy động vốn thị trường 1 giảm 0,94% so với cuối năm 2012 do tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế giảm 989 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nguồn vốn huy động tiết kiệm trong dân cư của SHB nửa đầu năm vẫn tăng 1.926 tỷ đồng (4,1%) so với cuối năm 2012 và thị phần tiền gửi tiết kiệm dân cư của SHB cũng tăng lên so với năm 2012. Chúng tôi cho rằng, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nguồn vốn huy động từ tiết kiệm trong dân cư là nguồn vốn ổn định nhất và đó cũng là mục tiêu trong hoạt động huy động vốn của SHB.

 

Mức độ giảm nợ xấu của SHB nửa đầu năm 2013 dường như đang chững lại. Đâu là những trở lực đối với việc giảm nợ xấu của Ngân hàng? Ông có thể chia sẻ cho NĐT một số hướng đi mới để từng bước giảm nợ xấu?

Tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2013 của SHB chỉ tăng nhẹ 0,24% so với đầu năm 2013. Nguyên nhân do một số khoản cho vay đồng tài trợ của Habubank trước kia với các TCTD khác đến nay quá hạn, do vậy chúng tôi chuyển nhóm nợ xấu theo đúng quy định trên cơ sở của ngân hàng đầu mối. Một số khoản nợ Vinashin chuyển sang nhóm nợ xấu theo đúng quy định phân loại nợ của NHNN. Một nguyên nhân khách quan khác là do tình hình kinh tế còn nhiều thách thức, hoạt động kinh doanh của các khách hàng khó khăn, dẫn đến việc họ vay mà không trả được nợ gốc và lãi đúng hạn. Chính vì thế đã làm cho tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm 2013 của SHB là 9,04%/tổng dư nợ.

Trong năm nay, chúng tôi đã và đang quyết liệt tập trung xử lý nợ xấu bằng hàng loạt giải pháp: rà soát đánh giá lại toàn bộ tình hình sản xuất - kinh doanh của khách hàng, định giá lại tài sản đảm bảo, đánh giả khả năng thu hồi nợ vay, trên cơ sở đó có những giải pháp thu hồi, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu phù hợp như: tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý tài sản đảm bảo, xem xét miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền nguồn thu của khách hàng. Nhờ đó, nợ xấu của SHB mặc dù hiện còn ở mức cao, nhưng trong 6 tháng đầu năm đã xử lý thu hồi được 2.926 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến 31/7/2013, SHB đã trích lập dự phòng rủi  ro đầy đủ theo quy định của NHNN với số tiền trích lập dự phòng rủi ro hơn 2.100 tỷ đồng.

Một trong các giải pháp ưu tiên từ nay đến cuối năm của SHB là tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại từng khoản nợ xấu, nợ quá hạn. Tùy từng khoản nợ sẽ áp dụng các phương án xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho VAMC, đồng thời xem xét sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Vì vậy, tôi khẳng định rằng, đến cuối năm 2013, nợ xấu của SHB sẽ giảm xuống thấp hơn 5%/tổng dư nợ như kế hoạch đã đề ra.

Nhận lại Thủy sản Bình An (Bianfishco) là một thương vụ khá đình đám của SHB năm 2012. Đến bây giờ, tình trạng của Bianfishco như thế nào, thưa ông?

Kết thúc năm 2012, Bianfishco đạt doanh thu 53,6 tỷ đồng, doanh thu 8 tháng đầu năm 2013 đạt trên 200 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự hồi sinh của Công ty sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng, nợ nần. Trong số 4 nhà máy của Bianfishco, đến nay đã có 3 nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp. Công ty cũng đã thanh toán hơn 2 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội trước đây và tiến hành đăng ký đóng bảo hiểm xã hội đối với CBNV hiện đang làm việc. Các khách hàng truyền thống lớn trên thế giới đã quay lại hợp tác với Công ty như: Maak Enterprises, Obaba Seafood, Western United… Cộng với các khách hàng tiềm năng khác từ châu Âu và Trung Đông, lượng khách hàng lớn của Công ty đã tăng gấp đôi, từ 27 lên 49 khách hàng. Nhìn chung, hoạt động của Công ty đang dần ổn định, lấy lại và củng cố vững chắc vị thế trong ngành thủy sản.

 

Chỉ còn gần 4 tháng nữa là kết thúc năm 2013 và như số liệu 6 tháng đã công bố, khoảng cách để SHB tới đích kế hoạch năm vẫn còn khá xa. Xin ông đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2013 của Ngân hàng?

Đúng là giữa mục tiêu cả năm và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm là một khoảng cách rộng, do những khó khăn chung của nền kinh tế và SHB cũng vừa nhận sáp nhập Habubank sau 1 năm. Nhưng với những nền tảng sẵn có và hướng đi đúng, tôi tin tưởng rằng, SHB sẽ hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ năm 2013 đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu sẽ dưới 5%/tổng dư nợ, lợi nhuận đảm bảo chi trả cổ tức ở mức 8%.