Tòa án quá tải khi xử lý các vụ kiện thu hồi nợ của ngân hàng

Chỉ tính riêng Agribank đã khởi kiện ra tòa hơn 6.800 vụ để đòi nợ. Còn tính chung cả hệ thống ngân hàng, có tới hàng vạn vụ kiện như vậy.

Khi con nợ... thích bị kiện ra tòa

Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, một trong những lý do dẫn tới nợ xấu của ngân hàng này chậm được xử lý do là các tòa dân sự đang trong tình trạng quá tải, thủ tục phức tạp và kéo dài.

Chỉ tính riêng số lượng các vụ việc do Agribank chủ động khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp đã lên đến hơn 6.800 vụ. Con số biết nói về sự quá tải này đã dẫn đến tình trạng thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kéo dài, khó khăn trong việc thu hồi nợ. Trong tổng giá trị tranh chấp 41.763 tỷ đồng của Agribank, đến nay, tòa mới giải quyết được hơn 5.270 tỷ đồng.

Tòa án quá tải khi xử lý các vụ kiện thu hồi nợ của ngân hàng ảnh 1

 Do biết được thủ tục khởi kiện và thi hành án kéo dài, nên nhiều khách hàng muốn trì hoãn trả nợ

Tương tự, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, dù có tỷ lệ nợ xấu thấp, song gần đây, Vietcombank đã phải chuyển 790 vụ qua tòa án. Trong đó, rất nhiều vụ án đã được tòa thụ lý, nhưng chưa xét xử.

Theo ông Thành, mỗi vụ khởi kiện, Ngân hàng phải mất bình quân 2 năm, có những vụ kéo dài đến 7 năm. Đó là chưa nói đến quá trình thi hành án. Trên thực tế, tại nhiều vụ án, từ khi bản án có hiệu lực đến khi bản án được thi hành kéo dài 3 - 4 năm.

Một trong những lý do dẫn tới nợ xấu của ngân hàng này chậm được xử lý do là các tòa dân sự đang trong tình trạng quá tải, thủ tục phức tạp và kéo dài.

Đó cũng là thực trạng đang phổ biến tại nhiều ngân hàng. Tại Techcombank, có nhiều vụ án ngân hàng theo kiện từ những năm 2012, 2013, 2014, qua hết các phiên sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí đã có quyết định giám đốc thẩm…, nhưng đến nay, vụ kiện vẫn chưa kết thúc. Có bản án có hiệu lực thi hành cách đây 3 - 5 năm, nhưng giờ vẫn chưa thu hồi được nợ.

Đại diện Techcombank cho rằng, do biết được thủ tục khởi kiện và thi hành án kéo dài, nên nhiều khách hàng muốn trì hoãn trả nợ bằng cách yêu cầu ngân hàng giải quyết tranh chấp qua tòa án, bởi theo con đường này, họ chây ỳ được việc trả nợ thêm ít nhất 2 - 5 năm.

Hồi hộp mong xử “rút gọn”

Với sự quá tải của hệ thống tòa án hiện nay, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, cách hiệu quả nhất là trao quyền cho các ngân hàng được thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội lo ngại, việc trao quá nhiều quyền cho chủ nợ dễ dẫn tới tình trạng siết nợ ngân hàng xảy ra tràn lan. Do đó, Dự thảo Nghị quyết về Xử lý nợ xấu, bên cạnh ghi nhận quyền chủ nợ của các ngân hàng, vẫn tiếp tục yêu cầu đòi nợ bằng cách khởi kiện ra tòa (nếu con nợ không đồng ý thỏa thuận). Điểm khác biệt là thủ tục xử lý nợ của thủ tục thi hành án sẽ được tiến hành theo quy trình rút gọn, chứ không “lê thê” như hiện nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là bước tiến đáng mừng trong xử lý nợ xấu, đảm bảo hài hòa giữa các bên.

“Dự thảo Nghị quyết về Xử lý nợ xấu đã tăng thêm một số quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ, song cũng kèm theo yêu cầu chặt chẽ để đảm bảo hoạt động xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và cũng không kém phần ‘nhân văn’ là hỗ trợ tích cực các con nợ của mình, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) kỳ vọng, việc rút gọn thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa án sẽ giúp tòa án xử nhanh hơn, đồng thời giúp thị trường mua bán nợ sớm được hình thành.

Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng cho rằng, thành công trong xử lý nợ xấu không nằm ở quy trình rút gọn hay không, mà phụ thuộc vào việc các cơ quan liên quan có triển khai quyết liệt hay không.

Đơn cử, mặc dù hiện đã có quy định về việc thụ lý vụ án đối với trường hợp bị đơn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, song hầu hết tòa án khi giải quyết đơn khởi kiện của ngân hàng đều yêu cầu ngân hàng phải xác minh tình trạng cư trú hiện tại của khách hàng hoặc phải có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới thụ lý hồ sơ. Trong khi đó, rất nhiều khách hàng khi mất khả năng trả nợ ngân hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Hay về thời gian tố tụng, theo đại diện Ngân hàng VPBank, mặc dù Điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định, với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại là tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Nhưng trên thực tế, nhiều tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn này.

Ngay cả khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng do bị đơn vắng mặt không có lý do, tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa thì thời gian hoãn phiên tòa cũng không tuân thủ quy định pháp luật, thậm chí còn trì hoãn nhiều lần, khiến vụ án kéo dài, tốn kém về thời gian và chi phí của ngân hàng...

Tin bài liên quan