Tín dụng tiêu dùng, lối thoát vốn cho ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng, lối thoát vốn cho ngân hàng

(ĐTCK) Đầu tuần này, HSBC đã thông báo giảm đáng kể lãi suất các khoản vay dành cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam bao gồm: vay mua nhà để ở, vay thế chấp, vay mua xe.

Cụ thể, HSBC sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu vay thế chấp với mức 15,9%/năm và lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng vay thế chấp là 18,9%/năm. Lãi suất cho vay dài hạn dành cho tất cả các khách hàng cá nhân tại ngân hàng này đã giảm 2% trong vòng vài tuần vừa qua.

“Động thái này nhằm minh chứng cho cam kết của Ngân hàng trong việc hỗ trợ khách hàng ổn định nhà ở và mua xe mới để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, ủng hộ các nỗ lực của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay”, một lãnh đạo cao cấp HSBC nói.

Cũng trong tuần này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, chương trình ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay mua nhà để ở bằng tiền công, tiền lương, hoặc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng được Ngân hàng đẩy mạnh. Đồng thời, trong tháng 3, OceanBank đã giảm 1,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân là phụ nữ với các khoản vay tiêu dùng.

Trước đó, ACB dành hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng cho chương trình “Tăng thời hạn vay vốn, giảm áp lực trả nợ” dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình đang có nhu cầu vay mua nhà, đất, căn hộ với thời hạn vay dài hơn và phương thức trả nợ linh hoạt.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, hiện NHNN đã phân bổ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo 4 nhóm, nhóm cao nhất cũng chỉ được tăng trưởng 17% trong năm 2012. Trong khi đó, tín dụng vẫn là lĩnh vực mang lại nguồn thu chính của các NHTM, nên khi tín dụng bị khống chế cũng đồng nghĩa với lợi nhuận giảm sút.

Bên cạnh đó, mặc dù nguồn vốn tại nhiều ngân hàng hiện khá dồi dào, nhưng cũng không thể đẩy hết tín dụng vào sản xuất - kinh doanh bởi lãi suất vẫn cao, lợi nhuận không bù đắp nổi chi phí vốn của DN. Điều này cũng phù hợp với thông tin từ NHNN cho biết, tính đến ngày 8/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống âm 2,25%.

Theo số liệu của VCCI, tính đến cuối năm 2011, ở Việt Nam có khoảng 622.977 DN, trong đó 79.014 DN đã giải thể. Cụ thể, lượng DN tư nhân giải thể là 2.082 đơn vị; công ty TNHH một thành viên là 16.748 đơn vị; công ty TNHH hai thành viên trở lên là 18.826 đơn vị; khối CTCP có tỷ lệ giải thể nhiều nhất với 41.357 đơn vị. Trong năm 2011, cả nước có 77.548 DN thành lập mới thì 7.611 đơn vị dừng hoạt động. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của khối DN đang gặp khó khăn lớn. Từ đó, nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất của DN cũng sẽ giảm sút mạnh.

“Như vậy, ‘cửa’ mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng chỉ còn từ tín dụng tiêu dùng, bởi rủi ro cao sẽ đi đôi với lãi suất cao”, một chuyên gia ngân hàng nhận định. Do đó, các ngân hàng sẽ tận dụng tối đa room được phép dành cho tín dụng tiêu dùng. Cho vay phi sản xuất năm 2012 sẽ vẫn được áp khung 16% trong tổng dư nợ được phép. Trong năm 2011, tỷ trọng cho vay phi sản suất (cho vay tiêu dùng được đặt trong nhóm này) trung bình của hệ thống ngân hàng chỉ là 11,3% tổng dư nợ. Cộng chỉ tiêu cả hai năm, tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm không khuyến khích năm nay sẽ vào khoảng 17 - 18% tổng dư nợ. Đặc biệt, NHNN còn loại 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất, nên room đối với tín dụng tiêu dùng càng lớn.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định, có thể khó có sự bùng nổ, nhưng tín dụng tiêu dùng sẽ tăng khá so với năm 2011. Nhìn từ một góc độ khác, cho vay tiêu dùng dù không trực tiếp đưa vốn vào sản xuất, nhưng lại gián tiếp tác động rất lớn đến tăng trưởng sản xuất và kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Tiêu dùng giảm, hàng hóa tồn kho lớn, làm sao các DN có thể đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh”, vị chuyên gia nói. Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đã giảm khoảng 3 - 5%/năm và xu hướng giảm tiếp tục sẽ là cơ hội cho những cá nhân cần vốn để đáp ứng nhu cầu mua nhà và chi tiêu thiết yếu, trong bối cảnh giá trị bất động sản đã giảm giá 30%, thậm chí có dự án giảm đến 50% so với thời cao điểm.