Không ít khách hàng cá nhân vẫn còn e ngại tiếp cận tín dụng ưu đãi vay tiêu dùng

Không ít khách hàng cá nhân vẫn còn e ngại tiếp cận tín dụng ưu đãi vay tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng dịp Tết dè dặt chảy

(ĐTCK) Thời điểm này, khi mà Tết Âm lịch đã cận kề, các ngân hàng vẫn đang miệt mài đẩy mạnh vốn ra thị trường, với lãi suất “ưu đãi” dành cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng vốn này tiêu thụ chậm.

Ngân hàng đua cho vay, khách hàng vẫn e ngại

Một trong những dịch vụ được các ngân hàng tập trung cho vay dịp cận Tết Nguyên Đán năm nay là dịch vụ tín dụng ô tô. Chẳng hạn, Ngân hàng VIB cho vay mua ô tô mới lãi suất từ 7,6%/năm, hạn mức lên đến 80% giá trị xe, thời gian cho vay dài 8 năm và miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 4 của khoản vay.

Ông Phan Viết Cường, Phó giám đốc Khối Khách hàng bán lẻ VIB cho hay, dịch vụ cho vay mua ô tô này có nhiều nội dung mới mẻ, thủ tục nhanh gọn, giúp khách hàng có thể dễ dàng tận hưởng những hành trình mới trong dịp Tết Đinh Dậu sắp tới.

Ngoài ra, tại HDBank, Ngân hàng cho vay mua ô tô lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm; Maritime Bank cho vay với lãi suất chỉ từ 5,99%/năm dành cho nhu cầu mua sắm dịp Tết và vay trả góp lãi suất 0% qua thẻ tín dụng; còn Ngân hàng MB cho cá nhân vay 90% nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh…

Lãi suất cho vay sẽ càng khó giảm, một khi các ngân hàng vẫn cứ đẩy lãi suất huy động đầu vào cho các kỳ hạn dài lên cao như hiện tại.

Nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ động nguồn vốn trong dịp kinh doanh mùa Tết Đinh Dậu, Ngân hàng ACB cho vay lãi suất từ 7%/năm, với tổng hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ACB còn có chương trình vay ưu đãi “Khai xuân đắc lộc” dành cho hộ kinh doanh vay bổ sung vốn, mở rộng mặt bằng kinh doanh và đáp ứng nhu cầu mua nhà mới trong năm mới, lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, tổng hạn mức dành cho các chương trình ưu đãi tín dụng này lên đến 6.000 tỷ đồng…

Tại Viet Capital Bank, Ngân hàng  dành 1.000 tỷ đồng cho vay với tỷ lệ 95% giá trị tài sản bảo đảm, lãi suất từ 7,8%/năm. Ngoài ra, các các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu còn được hưởng lãi suất vay ưu đãi ngắn hạn 4%/năm.

Hiện nhu cầu vốn của khách hàng đang gia tăng mạnh, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cho biết, không vì thế mà cung-cầu dễ gặp nhau, ngược lại, vẫn còn những rào cản nhất định.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, cầu vốn tăng là điều kiện tốt để tăng trưởng dư nợ, nhưng lúc này, khách hàng vẫn đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm, nên không dễ giải ngân. Trong khi đó, chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng lại có xu hướng nhích dần trong những tháng cận Tết, nên khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.

Thực tế, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đã tái tăng ở nhiều ngân hàng, với biên độ khoảng 0,2-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn tiền gửi khác nhau. Đơn cử, Eximbank vừa áp biểu lãi suất huy động mới, với mức tăng 0,1-0,2%/năm. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 5%/ năm và 6 tháng là 5,6%/năm.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25-0,5%/năm lên 0,5-0,75%/năm, khiến cho sức mạnh của USD ngày càng tăng và tạo áp lực phần nào lên tỷ giá USD/VND. Trong trường hợp tỷ giá tăng, lãi suất tiền đồng sẽ phải nhích lên và ở một mức chênh lệch đủ hấp dẫn người dân không dịch chuyển từ VND sang USD. Điều này cũng phần nào lý giải việc tín dụng cho vay tiêu thụ chậm, cho dù các ngân hàng đua đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm.

Tìm hiểu thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tâm lý của không ít khách hàng cá nhân vẫn còn e ngại tiếp cận tín dụng ưu đãi vay tiêu dùng, mua sắm, sửa chữa nhà cuối năm... Chị Nguyễn Thanh Xuyến (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho biết, trong tuần qua, chị đã đến chi nhánh của một vài ngân hàng trên địa bàn quận Thủ Đức để tìm hiểu về lãi suất và thủ tục vay tiêu dùng cuối năm, song nhận thấy rằng, mức lãi suất ưu đãi khoảng 7%/năm chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu, sau thời gian trên sẽ cộng thêm biên độ khoảng 3-3,5%/năm, nên chị từ chối vay. Bởi, nếu phải trả mức lãi suất lên tới 10-10,5%/năm, theo chị Xuyến, áp lực trả lãi hàng tháng là không nhỏ. 

Lãi suất 2017 sẽ khó giảm

Không những thời hạn áp dụng ưu đãi ngắn, lãi suất cho vay còn được dự báo sẽ nhích lên trong những tháng đầu năm 2017, do chi phí đầu vào hiện đã bắt đầu tăng. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu thêm trong năm 2017. Bởi, lạm phát bắt đầu có chiều hướng tăng và áp lực Fed tăng tiếp lãi suất USD trong năm 2017.

Một chuyên gia tài chính khác cũng đưa ra nhận định, kế hoạch giảm lãi suất cho vay trong năm 2017 là khó thực hiện, do áp lực lạm phát và những tác động kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ, khi Fed có kế hoạch nâng lãi suất USD tới 3 lần trong năm này.

Hơn nữa, lãi suất cho vay sẽ càng khó giảm, một khi các ngân hàng vẫn cứ đẩy lãi suất huy động đầu vào cho các kỳ hạn dài lên cao như hiện tại. Thực tế cho thấy, trong những ngày cận tết Nguyên Đán này, hầu hết các ngân hàng đều tung “chiêu” khuyến mãi để hút vốn, giúp tăng thanh khoản, đáp ứng cầu vốn tăng trong dịp cuối năm.

Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, với chính sách tiền tệ chủ động như thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có thể ổn định, không tăng lãi suất đã là thành công. Do đó, để kỳ vọng khả năng lãi suất cho vay giảm trong năm nay là rất khó.

Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là rào cản lớn đối với các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, giảm lãi suất, kể cả dịp cuối năm nay, do không thể mạnh tay rót vốn cho các khách hàng đang có lịch sử nợ xấu, hay tiềm ẩn rủi ro cao.

Nhận định được đưa ra từ các nhà phân tích tài chính cho rằng, thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2017 vẫn là xử lý nợ xấu. Nếu trong giai đoạn 2017-2018 không xử lý được nợ xấu, thì lãi suất cho vay toàn bộ của nền tế sẽ vẫn ở mức cao.

Mặc dù trong năm 2016 lãi suất đã giảm từ 0,5-1%/năm tuỳ lĩnh vực, nhưng so với mặt bằng giá vốn trong khu vực thì vẫn rất cao. Và nếu lãi suất cho vay cứ duy trì ở mức cao như vậy, sẽ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước dần yếu đi.

Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, nếu không xử lý cơ bản nợ xấu trong 2 năm 2017 và 2018, đặc biệt là nợ xấu nằm trong Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thì ngành ngân hàng sẽ gặp khó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng từng cho hay, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến, năm 2017 cần phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung-dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2016 đạt khoảng 18,5%, đảm bảo mục tiêu đề ra. Tín dụng tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, chất lượng tín dụng được nâng lên, rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn...

Như vậy, trong số các mục tiêu chính đề ra cho năm nay, vấn đề giảm lãi suất tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước đề cập ở mức độ... phấn đấu. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu, mà được nhắc lại nhiều lần trong năm 2016 và đã đi vào quyết nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện được đồng bộ. Tại thời điểm cuối năm 2016, lãi suất cho vay trung-dài hạn với các lĩnh vực ưu tiên vẫn ở mức 9-10%/năm và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 9,3-11%/năm.

Theo dự báo của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS), lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017. Ngoài ra, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn cũng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trong quý I/2017.

Trong năm nay, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại như đã nêu trên, kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của Fed đi cùng rủi ro tỷ giá. Vì vậy, theo VCBS, lãi suất sẽ khó giảm thêm.

Tuy nhiên, VCBS cũng cho rằng, lãi suất 2017 được dự báo tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức của cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%/năm) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng có khả năng được đảm bảo.

Tin bài liên quan