Tín dụng: Thắt mức nào?

(ĐTCK) Quyết định điều chỉnh mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống còn 25 - 27% vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đã bắt đầu có tác động lên thị trường. Có ý kiến cho rằng, điều này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát. Song ngược lại, không ít người tỏ ra e ngại, tín dụng thắt chặt sẽ tác động xấu đến thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường, CTCK SBS, việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là hợp lý. Bởi sau một thời gian dài nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, thì kiểm soát chặt lại cũng là việc đưa thị trường tiền tệ trở lại trạng thái bình thường.

Ông Cường cho biết thêm, nếu trong lúc này dù NHNN có phát hành tín phiếu bắt buộc để hút bớt tiền trong lưu thông cũng không khó khăn cho ngân hàng. Mặt khác, một khi phát hành, lãi suất tín phiếu khả năng sẽ hấp dẫn. Điều này sẽ đảm bảo được hai mục tiêu là các ngân hàng mua trái phiếu có thể sử dụng được nguồn vốn huy động về và thu lãi. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thể chiết khấu khi có nhu cầu về vốn khả dụng để đáp ứng khách hàng vay vốn. Còn NHNN cũng có thể kiểm soát được dòng tiền trong lưu thông.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu phó Trường đại học Kinh tế TP. HCM đưa ra nhận định, với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 7/2009 là 22,67% thì mục tiêu kiểm soát dư nợ tín dụng của NHNN trong năm nay ở mức 27 - 30% cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo ông Ngân, hiện có nhiều ý kiến từ các ngân hàng cho rằng, nếu Ngân hàng Trung ương không đẩy lãi suất cơ bản lên trên 7%/năm thì không ít nhà băng sẽ "chết", bởi các ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động 8 - 9%/năm, thậm chí ở các kỳ hạn dài ngày lãi suất lên trên 10%/năm.

Trong khi đó, trần lãi suất cho vay đối với khách hàng DN hiện là 10,5%/năm. Còn với tín dụng tiêu dùng, các ngân hàng đã được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng không thể áp dụng quá cao và hiện NHNN chủ trương "siết" lại mảng này nên sẽ khó khăn. Do đó, theo nhiều chuyên gia ngành tài chính, việc kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay không nên chú trọng nhiều đến số lượng mà phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng và hệ số an toàn để hạn chế rủi ro nợ xấu.

Theo đại diện một ngân hàng tại TP. HCM, dù tín dụng là yếu tố quyết định trong hoạt động của các ngân hàng, nhưng vì đã trải qua giai đoạn khó khăn của năm 2008 buộc ngân hàng phải nhìn lại mình và mỗi đơn vị đều phải xác định tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức nào cho phù hợp và có thể kiểm soát được rủi ro.

Vị đại diện trên cho biết, nếu đối chiếu giữa kỳ hạn huy động vốn và cho vay thì hiện độ lệch kỳ hạn rất lớn. Các ngân hàng chủ yếu chỉ huy động được nguồn vốn ở kỳ hạn ngắn ngày từ 12 tháng trở xuống, chiếm khoảng 90% trên tổng nguồn vốn huy động, nên khó đẩy mạnh cho vay một cách ồ ạt, phiêu lưu và không thể tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Do đó, điều quan trọng là NHNN  cần tạo ra những công cụ kiểm soát được chất lượng tín dụng và độ an toàn vốn, thay vì siết tín dụng. Trong đó, với việc cho vay hỗ trợ lãi suất phải liên tục có đánh giá để hạn chế việc sử dụng vốn không đúng mục đích.

Ông Hồ Xuân Nghiễm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng, khác với trước, hiện quan điểm của nhiều người đánh giá cho vay tiêu dùng là một loại hình tín dụng dễ rủi ro nên cần hạn chế. Song theo ông Nghiễm, cần phân tích kỹ tín dụng tiêu dùng và ý nghĩa của loại hình này. Thứ nhất, đây là sản phẩm phục vụ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ở thực sự, cũng như cần trang bị phương tiện đi lại. Thứ hai, đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ công nhân viên… Đồng thời, các ngân hàng chỉ cấp một hạn mức vốn  vừa phải, do đó cũng không nên quá lo ngại đối với loại hình tín dụng tiêu dùng.