Tín dụng tăng trưởng nhanh có đáng lo?

Tín dụng tăng trưởng nhanh có đáng lo?

Tín dụng trong nền kinh tế từ đầu năm đến nay đạt mức cao nhất trong mấy năm gần đây, gây ra lo ngại về khả năng gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính - ngân hàng.

Tăng trưởng tích cực

So với cùng kỳ năm trước, hiện không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp đầu năm ở mức 14 - 16%, do tăng trưởng dư nợ cải thiện đáng kể, nhất là đối với khối khách hàng cá nhân, nhờ thị trường bất động sản ấm lên.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, với khối cá nhân, không chỉ có nhu cầu về nhà ở, mua xe mới cần đến sự hỗ trợ từ nguồn tài chínhcủa ngân hàng, mà xu hướng vay tiêu dùng cũng đang tăng trưởng khá mạnh mẽ. Đơn cử, trong nửa đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay thị trường 1 của ngân hàng này tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank chia sẻ rằng, lợi nhuận từ Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit mang lại cho VPBank đến 50% tổng lợi nhuận của Ngân hàng và cho vay tài chính tiêu dùng đang được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng cải thiện đáng kể trong những tháng đầu năm nay. Cho vay khách hàng tại Vietcombank trong nửa đầu năm nay đạt 524.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền gửi của khách hàng đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 10%.

Theo ông Thắng, với sự ấm dần của thị trường bất động sản, Vietcombank tập trung đẩy mạnh cho vay, chủ yếu là ở phân khúc nhà ở đối với khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vẫn có tình trạng “lách” tín dụng bất động sản ở các ngân hàng.

Cụ thể, cho vay tiêu dùng ước tăng 29,7% so cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so cuối năm 2016, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016, con số này là hơn 49%). Tính chung toàn hệ thống, tín dụng 5 tháng đầu năm tăng 6,8%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 5,7%.

Trong đó, cơ cấu tín dụng thay đổi theo hướng giảm tín dụng trung và dài hạn (còn 54,6% so cuối năm 2016 là 55,1%). Hiện tại, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 12% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nếu cộng cả phần cho vay tiêu dùng liên quan bất động sản, thì tỷ trọng tín dụng bất động sản sẽ vọt lên khoảng 14%.

Có đáng ngại?

Việc tín dụng vẫn dựa nhiều vào bất động sản trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, điều đáng lo là việc dồn vốn cho bất động có thể gây nên “bong bóng” tín dụng bất động sản. Mặt khác, tình trạng ngân hàng thương mại cho vay sân sau cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

So với cùng kỳ năm trước, hiện không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp đầu năm ở mức 14 - 16%, do tăng trưởng dư nợ cải thiện đáng kể

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để được kết quả tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trên 9% trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước duy trì kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, đặc biệt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đầu tư bất động sản; các dự án BOT, BT ngành giao thông…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng khẳng định, cơ cấu tín dụng hiện nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Đánh giá tăng trưởng tín dụng trong năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất.

Tin bài liên quan