Tín dụng ngành ngân hàng đến cuối tháng 7  đạt gần 7,75 triệu tỷ, tăng 7,46%

Tín dụng ngành ngân hàng đến cuối tháng 7 đạt gần 7,75 triệu tỷ, tăng 7,46%

(ĐTCK) Phát biểu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày 29/8, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao: giai đoạn 2015- 2017 đạt 18-19%, 2018 đạt gần 14%, đến 31/7/2019 tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7.748.792 tỷ đồng, tăng 7,46%. 

Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,67% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 18,4% với trên 196 nghìn doanh nghiệp còn dư nợ.

Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, tăng 15,83%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 31 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%...

Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô tín dụng đạt 623.926 tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018, trong đó tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 14,8%, một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%...

Một số chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP đạt dư nợ trên 2.000 tỷ đồng, Cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt dư nợ trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng dư nợ cho vay toàn quốc... Qua đó, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt khoảng 7,5%, cao hơn bình quân cả nước (6,79%).

Các TCTD khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến cuối quý II/2019, các TCTD đã giải ngân cho vay mới đạt gần 71.300 tỷ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp và một số đối tượng khác.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay cho trên 250 doanh nghiệp, với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2019, NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.

NHNN chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, một số TCTD bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Để tạo điều kiện về hoạt động cho doanh nghiệp, cuối tháng 7/2019 vừa qua, một số NHTM nhà nước và ACB, Techcombank, MB (chiếm khoảng 57% thị phần tín dụng toàn hệ thống) tiếp tục công bố giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp...

Tin bài liên quan