Tín dụng khởi sắc, ngân hàng ước tính lãi lớn ngay quý đầu năm

Tín dụng khởi sắc, ngân hàng ước tính lãi lớn ngay quý đầu năm

(ĐTCK) Dù chưa kết thúc quý I/2018, song lãnh đạo nhiều nhà băng tiết lộ, ước tính lợi nhuận thu về trong quý đầu năm tăng trưởng 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngọt đầu mùa

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt ngay trong quý đầu năm là tín dụng tăng tích cực, thay vì tăng trưởng âm như cùng kỳ một số năm trước đó.

Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở  tại TP.HCM cho hay, ước tính trong 3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của ngân hàng ông đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt đối với khối nợ xấu đã bán cho VAMC đến nay chưa xử lý hết, nên lợi nhuận còn lại trong quý I khả năng còn vài trăm tỷ đồng. Với khởi đầu thuận lợi, ngân hàng ông dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2018 khả quan.

Tín dụng toàn hệ thống tín dụng ước đến ngày 8/2/2018 tăng trưởng 2,04% so với cuối năm 2017, tương đương 150 triệu tỷ đồng, thông tin được đưa ra từ lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Diễn biến này tích cực hơn so với dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) trước đó. Cụ thể, theo NFSC, tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh bắt đầu từ cuối quý I/2018, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm 2018 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và kết quả như năm 2017.

Thông tin từ TPBank cho hay, trong hai tháng đầu năm, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng đạt 275,8 tỷ đồng, cao gần gấp đôi cùng kỳ 2017. Dư nợ thị trường 1 của TPBank đến hết tháng 2 đạt 76.782 tỷ đồng, tổng huy động đạt 106.198 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,97%, nằm trong kế hoạch đặt ra.

Lãnh đạo một ngân hàng có vốn điều lệ trên 15.000 tỷ đồng cũng cho hay, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt được của Ngân hàng trong quý đầu năm nay tích cực hơn nhờ tín dụng tăng trưởng tốt. Nếu như tháng 1 và nửa đầu tháng 2 là thời kỳ cao điểm về nhu cầu vốn của khách hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán thì tháng 3 năm nay cũng diễn biến khác mọi năm khi dư nợ tín dụng tăng cao nhờ các chính sách về lãi suất ưu đãi. Ước tính, dư nợ tín dụng quý I/2018 của Ngân hàng tăng 3% so với cuối năm 2017. 

Bên cạnh yếu tố tín dụng tăng trưởng cao, các nhà băng cho biết, một yếu tố giúp lợi nhuận nhà băng khởi sắc hơn trong quý I là nợ xấu đang dần được xử lý, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như cùng kỳ các năm trước.

Gợi mở một năm của nhiều kỷ lục lợi nhuận

Tháng 3 sắp đi qua, mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng đang bước vào cao điểm và kế hoạch lợi nhuận mà một số ngân hàng đưa ra đã gây ấn tượng mạnh với cổ đông và thị trường.

Mở màn cho mùa đại hội của khối ngân hàng, Techcombank trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận lên tới 10.000 tỷ đồng trước thuế. Kế tiếp, Đại hội cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 2018 lên tới 10.800 tỷ đồng trước thuế.

Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, ban đầu chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến chỉ 12.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng xét thấy mức đó có tỷ lệ tăng trưởng hơi thấp nên dự kiến sẽ nâng lên 13.000 tỷ đồng trước thuế. Với chỉ tiêu dự kiến trên, năm 2018 đang bắt đầu gợi mở những con số lợi nhuận rất lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, những quy mô chưa từng đạt được trong lịch sử.

Đánh giá về các nhân tố tác động đến ngành ngân hàng năm 2018, Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tín dụng tiếp tục được cải thiện, trong đó, cơ hội “tỏa sáng” của lĩnh vực cho vay tiêu dùng được đánh giá cao. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa phải giảm từ 50% xuống 45%, nhưng mức giảm trên vẫn “dễ thở” hơn cho các ngân hàng bởi kế hoạch trước đó là giảm tỷ lệ này xuống 40%.

Liên quan đến hoạt động cho vay, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp về việc yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng chính sách tới tỷ lệ NIM của ngành. Thế nhưng, theo nhận định của SSI, chi phí vốn bình quân năm 2018 sẽ giảm xuống nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng sự cải thiện đáng kể của cán cân thanh toán năm 2017 và 2018.

Cụ thể, các lãi suất điều hành và lãi suất cho vay OMO đều đã giảm xuống 0,25%/năm trong hơn một năm qua. Việc bán vốn nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân vào năm 2018 tiếp tục thu hút một lượng lớn dòng vốn ngoại, dẫn đến việc phải bơm một lượng lớn đồng nội tệ vào hệ thống.

Với các yếu tố trên, SSI dự báo, lợi nhuận tại 14 nhà băng đang niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, HDBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, ACB, SHB, NCB, VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank) sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 32,9% trong năm 2018.

Tin bài liên quan