Tín dụng của Việt Nam đang đi ngược với thế giới

Tín dụng của Việt Nam đang đi ngược với thế giới

(ĐTCK) Trong khi Việt Nam đang lo ngại tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tăng cao và muốn hướng dòng tín dụng vào sản xuất, thì TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xu thế này lạc hậu về quản lý kinh tế vĩ mô, bởi tỷ trọng tín dụng của các nước tiên tiến phần lớn là tiêu dùng. 

Kinh tế vĩ mô 2017: Bức tranh màu hồng

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách giám sát, UBGS cho biết, năm 2017, tăng trưởng GDP ước đạt 6,7% tăng cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016 nhờ sự cải thiện mạnh về tổng cung của nền kinh tế.

Trong đó, khu vực dịch vụ ước tăng 7,6%, đóng góp nhiều nhất với 0,26 điểm phần trăm; tiếp theo là khu vực nông, lâm, thủy sản ước năm 2017 tăng 3%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm, cuối cùng là khu vực công nghiệp và xây dựng ước năm 2017 tăng 7,6%, đóng góp khoảng 0,04 điểm phần trăm.

Như vậy, xét theo khu vực kinh tế, nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017 tăng cao hơn so với năm 2016 là nhờ sự hồi phục của khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua nhờ kết quả tăng trưởng ấn tượng của hoạt động bán buôn, bán lẻ và ngành du lịch.

Cơ cấu kinh tế đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tổng cầu cũng được cải thiện đáng kể nhờ tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh, góp phần hỗ trợ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo UBGS, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) năm 2017 ước tăng 9,7%, duy trì được sự cải thiện tốt so với năm ngoái (năm 2016 tăng 7,8%). Tiêu dùng hộ gia đình gia tăng tỷ trọng (trong tổng cầu) đã thúc đẩy ngành dịch vụ.

Tín dụng của Việt Nam đang đi ngược với thế giới ảnh 1

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt mức tăng khá, ước cả năm 2017 tăng khoảng 13% so với năm 2016, bằng 33,5% GDP, cao hơn mức 33% GDP năm 2016.

Đầu tư ngoài nhà nước (tư nhân và nước ngoài) tăng mạnh, cùng với việc xuất khẩu gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi tốt, đã thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thặng dư thương mại năm 2017 ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 216,3 tỷ USD tăng 22,5%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 213,7 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm trước (năm 2016 xuất khẩu tăng 8,6% và nhập khẩu tăng 4,6%).

Cơ cấu xuất khẩu theo khu vực kinh tế tiếp tục phản ánh thương mại của Việt Nam thụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI khi khu vực này tiếp tục có thặng dư thương mại cao (11 tháng năm 2017 là 26,2 tỷ USD), trong khi khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận mức thâm hụt lớn (11 tháng năm 2017 thâm hụt 23,4 tỷ USD).

Khu vực ngân hàng: Vẫn cần thận trọng

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch UBGS cho biết: “Lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng tăng hơn 40% so với năm 2016, đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016”.

Một trong những lý do giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng thăng hoa, theo ông Phước là nhờ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được thông qua, các nhà băng đã tự xử lý 70.000 tỷ đồng nợ dưới chuẩn.

Không nên loại bỏ xu thế phát triển tín dụng của ngân hàng, bởi rất có thể xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng tiêu dùng trong tương lai

- TS. Lê Xuân Nghĩa 

Bên cạnh đó, theo ông Phước, sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng giúp tín dụng được khơi thông, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhờ vậy, lãi ngân hàng cũng cải thiện.

Điểm đáng chú ý của Báo cáo là tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, năm 2016 là 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).

Trong bối cảnh có khá nhiều quan điểm quan ngại về vấn đề này, thì TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần cảnh giác xu thế Việt Nam đang ngày càng lao sâu vào kinh tế trọng cung sản xuất, sản xuất và sản xuất.

Đây là xu thế lạc hậu về quản lý kinh tế vĩ mô, hướng tới nền kinh tế có nhiều DN ra đời nhưng cũng chết rất nhanh. Do đó, nhiều chương trình về chính sách dựa vào hệ thống ngân hàng để tăng cung nên cần cảnh giác khuynh hướng này trong tăng trưởng tín dụng dài hạn.

“Thu thập thông tin của năm 2015 ở 16 nước châu Âu cho thấy, trong tổng tín dụng dành cho sản xuất có 7%; nhà ở và bất động sản là 14%; tiêu dùng cá nhân và phương tiện vạn chuyển cá nhân là 71%, trong đó tiêu dùng cá nhân là 47% và phương tiện 21%; 7% còn lại dành cho phương tiện vận tải, thương mại”, TS. Nghĩa thông tin và cho rằng, như vậy, tỷ trọng tín dụng của các nước tiên tiến phần lớn là tiêu dùng, nhưng ở Việt Nam rất nguy hiểm là tín dụng tiêu dùng lại đang được đẩy ra cho các công ty tài chính.

Theo ông Nghĩa, có vẻ như NHNN sợ không muốn dây vào tín dụng tiêu dùng, nhưng như vậy vô hình trung rủi ro là rất lớn.

Kinh nghiệm năm 1997 ở Trung Quốc và Thái Lan đổ bể hàng loạt gần như tất cả các công ty tài chính, kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản. Hiện nay, Trung Quốc vẫn gặp khó khăn về các công ty tài chính địa phương nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng, nằm ngoài sự kiểm soát rủi ro.

“Không nên loại bỏ xu thế phát triển tín dụng của ngân hàng, bởi rất có thể xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng tiêu dùng trong tương lai”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan