Dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tín dụng bất động sản dần siết lại trước giờ “G”

(ĐTCK) Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, từ đầu năm 2019, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống còn 40%. Trước thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông điệp kiểm soát chặt tín dụng, nhất là cho vay bất động sản - lĩnh vực đòi hỏi khoản vay dài ngày. 

Giờ “G” sắp điểm

Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành khẳng định chủ trương không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản.

Như vậy, các ngân hàng không còn nhiều “room” tín dụng để cho vay với lĩnh vực bất động sản.

Cho vay bất động sản đang chiếm khoảng 3 - 4% tổng dư nợ của ngành ngân hàng và tín dụng bất động sản được các nhà băng đánh giá là an toàn khi tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản. Đặc biệt, với các khoản cho vay mua nhà, ngân hàng luôn “nắm đằng chuôi” là chính căn hộ khách vay mua.

Thế nhưng, một chuyên gia tài chính nhận định, điều đó chưa hoàn toàn đúng với thực tế.

Thời gian qua, đã có một số dự án căn hộ bị chủ đầu tư đem cầm cố cho ngân hàng và bị nhà băng siết nợ, như PVCombank thu nợ dự án Tokyo Tower.

Trước đó, BIDV tiến hành siết nợ Chung cư Gia Phú, Vietinbank rao bán khoản nợ của Địa ốc Gia Phú… khiến người mua nhà, thậm chí đang ở tại các dự án nói trên lao đao.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng hiện nay có thể không tăng cao và bản thân tín dụng bất động sản không xấu, nhưng vẫn cần xem xét ở nhiều khía cạnh và phân khúc khác nhau.

Tín dụng các ngân hàng thời gian qua có thể “núp bóng” cho vay tiêu dùng để chảy vào thị trường bất động sản. Và đó là lý do NHNN có lộ trình siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong gian đoạn tới.

Cũng theo ông Hải, ngành ngân hàng không nên giãn và hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để hạn chế rủi ro về thanh khoản, cũng như hạn chế việc các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào bất động sản, làm gia tăng rủi ro hoạt động ngân hàng. 

Siết dần để tránh rủi ro

Một chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính đưa ra nhận định, việc hạn chế “room” tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm nay phần nào cho thấy NHNN muốn hướng dòng vốn vào các lĩnh vực an toàn và loại dần tín dụng ra khỏi lĩnh vực bất động sản.

Hiện thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng, chưa xuất hiện dấu hiệu bong bóng. Tuy nhiên, xét theo phân khúc, nếu như phân khúc trung bình - có nhu cầu rất lớn - đang thiếu cung thì ở phân khúc cấp cao lại có dấu hiệu dư cung, song giá vẫn không giảm.

Vị chuyên gia cũng quan ngại, liệu tới đây, thị trường cầm cố tín dụng bất động sản có tồn tại khi NHNN kiểm soát vốn vào lĩnh vực này.

Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 6/2018, cho vay bất động sản chỉ tăng 2,19%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.

Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính đặt câu hỏi, con số dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng hiện nay liệu đã phản ánh đúng với thực tế số vốn họ đã cho vay vào lĩnh vực này?

Nhắc lại câu chuyện các ngân hàng chịu hậu quả nặng nề từ tăng trưởng nóng tín dụng, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay bất động sản giai đoạn 2007 – 2008 và cho đến nay, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục xử lý nợ xấu từ giai đoạn đó, TS. Lịch cho rằng, việc hạn chế room tín dụng sẽ tác động tích cực lên hoạt động cho vay của ngân hàng.

“Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục hẳn, song trước sức nóng của bất động sản thời gian qua, cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào lĩnh vực này.

Đáng chú ý là trước bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng, nợ xấu chưa xử lý nhanh, muốn tăng tín dụng, các ngân hàng phải kiểm soát được nợ xấu”, TS. Lịch nói.

Theo TS. Lịch, vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, bất động sản nói riêng hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào vốn tín dụng ngân hàng.

Bài học nợ xấu mà ngành ngân hàng đang ra sức xử lý hiện nay chính là đã cho doanh nghiệp bất động sản vay quá nhiều. Vì vậy, với Chỉ thị 04/CT-NHNN vừa được ban hành sẽ là “thước đo” cho các doanh nghiệp trong sử dụng vốn vay, nhất là bất động sản.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ngân hàng nói “không” trong việc cung ứng tín dụng cho chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, mà chỉ tập trung cho vay cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà ở.

Những ngày qua, phía doanh nghiệp địa ốc đã có ý kiến trái chiều về quy định siết cho vay với lĩnh vực này.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là chưa cần thiết, chưa phù hợp thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản khi phải điều chỉnh tỷ lệ xuống 40% vào năm 2019.

Vì doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung dài hạn và phụ thuộc lớn nguồn vốn vay ngân hàng; nguồn vốn huy động trước từ khách hàng cũng chủ yếu có nguồn gốc từ ngân hàng.

HoREA vừa có kiến nghị cho phép các ngân hàng được sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa 45% trong năm 2019, thay vì giảm còn 40% từ đầu năm 2019 như quy định của Thông tư 19.

Tin bài liên quan