Một số sáng kiến thúc đẩy tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện là tất cả các sáng kiến, biện pháp để cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Dưới đây là một số sáng kiến thúc đẩy tài chính toàn diện đáng chú ý.
Đại lý ngân hàng
Một mô hình hoạt động ngân hàng mới là đại lý ngân hàng (Agent Banking), đây là một trong những kênh phân phối mang tính đổi mới giúp mở rộng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Thông qua đại lý thường là các cửa hàng tạp hóa, cửa hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các dịch vụ ngân hàng cơ bản như thanh toán hóa đơn, rút tiền, chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm… được cung cấp tới người dân một cách thuận tiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi không có chi nhánh ngân hàng thương mại.
ThS. Nguyễn Thị Hòa
Hoạt động đại lý ngân hàng là việc cung ứng dịch vụ tài chính cho khách hàng bởi một đối tác bên thứ ba thay mặt cho tổ chức nhận tiền gửi hoặc/và tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động được cấp phép. Nói ngắn gọn, hoạt động đại lý ngân hàng là việc ngân hàng cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh.
Theo báo cáo về tài chính toàn diện năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên kết quả điều tra đối với 124 cơ quan quản lý tài chính (ngân hàng trung ương) đại diện cho 141 nền kinh tế, có 105/124 cơ quan quản lý (85%) cho phép thực hiện hoạt động đại lý.
Trong đó, 81% cho phép ngân hàng thương mại hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối, 91% cho phép tổ chức phi ngân hàng hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối. Hơn 60% các cơ quan quản lý còn cho phép các hợp tác xã tài chính (tương đương như Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam), các tổ chức nhận tiền gửi khác như tổ chức tài chính vi mô được phép triển khai hoạt động này (xem đồ thị).
Hoạt động đại lý phổ biến nhất là thực hiện các giao dịch rút tiền, nhưng cũng có nhiều hoạt động khác được các đại lý thực hiện và quy định này khác nhau giữa các nước. Hơn 50% quốc gia cho phép các ngân hàng thương mại thuê các đại lý thực hiện quy trình nhận biết khách hàng, nhận tiền gửi, nhận đơn xin mở tài khoản tiền gửi và xin vay. 42% quốc gia cho phép ngân hàng thương mại thuê đại lý thực hiện mở tài khoản cho khách hàng và một số ít hơn cho phép đại lý phê duyệt khoản vay theo chính sách cụ thể của tổ chức chủ quản.
Các quốc gia triển khai mô hình đại lý ngân hàng cho đến nay đều được đánh giá thành công, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Những quốc gia áp dụng thành công nhất và được nghiên cứu tổng kết nhiều nhất có thể kể đến là Brazil, Kenya và Malaysia.
Tài khoản thanh toán cơ bản (tài khoản cơ bản)
Tài khoản thanh toán là loại tài khoản có chức năng lưu trữ giá trị tiền tệ mà chủ tài khoản nhận được và sử dụng giá trị tiền tệ đó để thực hiện thanh toán. Thanh toán qua tài khoản nhanh, an toàn, thuận tiện, hỗ trợ phát triển thanh toán điện tử và thúc đẩy một nền kinh tế thanh toán không dùng tiền mặt.
Và trên hết, việc tiếp cận và sử dụng các tài khoản giao dịch là bước khởi đầu để đạt được tài chính toàn diện vì thông qua tài khoản giao dịch, các cá nhân sẽ có điều kiện tiếp cận không chỉ dịch vụ thanh toán mà còn thêm các dịch vụ khác như dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố hạn chế việc tiếp cận và sử dụng tài khoản giao dịch, làm hạn chế khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện ở nhiều quốc gia. Trong đó, khả năng trang trải chi phí là yếu tố quan trọng nhất. Nhìn chung, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán tính giá dịch vụ tài khoản thanh toán dưới hình thức một khoản phí định kỳ cố định, thường là hàng tháng và/hoặc yêu cầu một số dư tối thiểu trong tài khoản. Nhiều tổ chức còn tính phí mở tài khoản.
Đối với một tài khoản thanh toán thông thường có thể giúp chủ tài khoản thực hiện nhiều dịch vụ thì việc tính phí là tương đối hợp lý về phía tổ chức cung ứng dịch vụ. Nhưng với ý nghĩa quan trọng của tài khoản thanh toán đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã phát triển một loại tài khoản thanh toán cơ bản (tài khoản cơ bản) với những tính năng đơn giản, chủ yếu để sử dụng các dịch vụ thanh toán và hầu như không mất phí.
Tài khoản cơ bản có thể được hiểu là loại tài khoản chuyên dùng cho việc chuyển và nhận các khoản thanh toán cần thiết đối với một công dân như nhận tiền lương, lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội và chi trả các hóa đơn dịch vụ công. Tài khoản này có thể được cung ứng kèm theo thẻ ghi nợ. Các tổ chức cung ứng các tài khoản này thường là các tổ chức nhận tiền gửi (ngân hàng), nhưng cũng thể do một số tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng cung ứng (ví dụ bưu điện).
Một số quốc gia đã ban hành quy định công dân có quyền có một tài khoản ngân hàng cơ bản. Hơn nữa, tài khoản cơ bản có thể không phải trả bất cứ loại phí nào có liên quan, nhưng kèm theo đó là yêu cầu phải duy trì số dư tối thiểu. Ở một số quốc gia, tài khoản cơ bản có tính phí, nhưng rất thấp và không phải duy trì số dư tối thiểu. Nhìn chung, tài khoản cơ bản đã được phát triển và hiện được cung ứng ở nhiều nước với mức độ thành công khác nhau.
Đơn giản hóa thủ tục nhận biết khách hàng thông qua các phương tiện điện tử (E-KYC)
KYC (Know Your Customer) là nguyên tắc về nhận biết khách hàng. Nguyên tắc này đòi hỏi các tổ chức tài chính phải nắm rõ thông tin về khách hàng mình đang giao dịch để đảm bảo giao dịch là hợp pháp. Do đó, mỗi tổ chức tài chính đều có chính sách KYC và có quá trình KYC trước khi thực hiện giao dịch với bất kỳ khách hàng nào.
Quá trình KYC là quá trình nhận dạng và xác định danh tính khách hàng thông qua các tài liệu, giấy tờ cá nhân hoặc nguồn thông tin đáng tin cậy khác. Để thực hiện quá trình KYC, các tổ chức tài chính thường yêu cầu rất nhiều giấy tờ xác định danh tính đối với khách hàng, kéo dài thời gian để một khách hàng có thể tiếp cận đến dịch vụ của tổ chức đó. Để có thể đơn giản hóa thủ tục và các giấy tờ cần thiết, e-KYC đã được ra đời và dần thay thế KYC truyền thống ở nhiều quốc gia.
E-KYC (Electronic - Know Your Customer) là một dạng KYC số hóa (digital KYC). Dịch vụ e-KYC tạo nên một hệ môi trường mà đảm bảo người dân có thể chia sẻ thông tin định danh của mình với nhà cung cấp dịch vụ (đã đăng ký với chính quyền) bất cứ nơi nào và khi nào muốn để sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp đó một cách nhanh chóng nhất, nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân theo khuôn khổ pháp luật đề ra.
Với sự xác nhận/đồng ý của một công dân, dịch vụ e-KYC sẽ cung cấp ngay lập tức các thông tin xác định danh tính (giấy tờ chứng minh nhân dân, địa chỉ, ngày tháng sinh và giới tính) và thậm chí là email, số điện thoại của công dân đó đến nhà cung cấp dịch vụ để thúc đẩy quá trình cung cấp dịch vụ đến công dân đó được nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Các ngân hàng có thể đơn giản hóa quá trình thủ tục cung ứng các dịch vụ của mình như mở tài khoản ngân hàng, mua sản phẩm thị trường vốn (chứng chỉ quỹ đầu tư) hay các sản phẩm hưu trí (bảo hiểm nhân thọ) thông qua việc sử dụng dịch vụ e-KYC.
Xu hướng e-KYC đang được hiện thực hóa cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong những năm gần đây.
Tại Ấn Độ, từ năm 2016, quy trình KYC truyền thống đã được chuyển thành e-KYC. Việc mở tài khoản rất đơn giản, chỉ dựa vào cuộc gọi hình ảnh trực tuyến, mã số định danh (ID) và dấu vân tay/võng mạc được lưu trữ tại Cơ quan nhận dạng quốc gia. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có gần 3,5 triệu giao dịch e-KYC được thực hiện tại 234 cơ quan xác nhận e-KYC được cấp phép, bao gồm các tổ chức tín dụng, cơ quan chính phủ...
Một điểm đáng lưu ý là ngành ngân hàng Ấn Độ có xu hướng sử dụng dịch vụ e-KYC để thúc đẩy phát triển mở tài khoản ngân hàng cho các người dân vùng nông thôn, bởi tính đến năm 2015 thì Ấn Độ vẫn có hơn 40% người dân vùng nông thôn chưa có tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng bắt đầu sử dụng e-KYC để phát triển hệ thống ATM vi mô (micro-ATMs) tại các điểm bán hàng POS ở nông thôn. Các ATM vi mô này thực chất là các POS với tính năng quét vân tay và mống mắt để thực hiện xác nhận danh tính khách hàng dễ dàng hơn nhằm thúc đẩy quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện và hiệu quả hơn. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả mà chính phủ đưa ra để tăng cường tài chính toàn diện và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn.
Tại Hàn Quốc, Kakao Bank là ngân hàng tiên phong trong công cuộc số hóa ngân hàng và gặt hái được những thành công lớn khi chỉ trong vòng 1 tháng ra mắt, Kakao Bank thu hút 3 triệu người dùng, lượng tiền gửi lên đến 2.000 tỷ won (1,78 tỷ USD) và cho vay tới 1,8 tỷ won. Có được thành công này là do quy trình định danh khách hàng của Kakao Bank khá khác biệt so với các ngân hàng truyền thống, đó là khách hàng không cần phải tới gặp trực tiếp nhân viên của Kakao Bank.
Trong trường hợp khách hàng đã có sẵn tài khoản của một ngân hàng khác, khách hàng có thể lựa chọn cung cấp thông tin về tài khoản đó cho Kakao Bank, Ngân hàng sẽ chuyển một khoản tiền rất nhỏ (1 won) tới tài khoản được cung cấp với nội dung chuyển tiền là mã xác nhận. Khách hàng sẽ nhập mã xác nhận đó vào ứng dụng trên điện thoại của Kakao Bank để hoàn thành quy trình định danh.
Đối với khách hàng chưa từng mở tài khoản ngân hàng nào, khách hàng có thể thực hiện cuộc gọi video với nhân viên của Kakao Bank sau khi gửi bản sao của thẻ định danh qua email hoặc qua ứng dụng để hoàn tất quá trình định danh.
Tại Đông Nam Á, Singapore, Indonesia, Thái Lan hay Philippines đều là các quốc gia đã cho phép triển khai e-KYC.
Một đặc điểm chung của các quốc gia này là việc triển khai e-KYC phải dựa trên mã số định danh công dân kết hợp quét vân tay hoặc mống mắt. Để làm được điều này, các quốc gia phải xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, mỗi công dân được cung cấp một mã số định danh tương ứng. Các dữ liệu được lưu trữ bao gồm: mã số định danh, tên tuổi, ngày sinh, nơi sinh, địa chỉ cư trú, tình trạng cư trú... Đồng thời, chính phủ và ngân hàng trung ương có cơ chế hỗ trợ, chủ động ban hành, sửa đổi hành lang pháp lý để triển khai phương thức e-KYC một cách nhanh chóng, toàn diện.
Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia
Kết quả điều tra của Findex 2017 cho thấy, 20% người trưởng thành không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính dù có nhu cầu sử dụng, do thiếu giấy tờ xác nhận danh tính. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nước đã đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư nhận dạng danh tính.
Thêm vào đó, sự phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư cũng được Liên hợp quốc nhấn mạnh ở điểm 16.9 của các Mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs): “Đến năm 2030, cung cấp một phương thức xác thực nhân thân pháp lý cho mọi người dân” nhằm “thúc đẩy xã hội toàn diện và hòa bình vì mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo công bằng cho mọi người dân”.
Tính đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đã được đổi mới, hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện tại nhiều quốc gia ở Mỹ la tinh, Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.
Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư trung ương cùng thẻ chứng minh nhân dân với số thẻ duy nhất cho từng người dân và có thể thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua giúp người thân xác thực danh tính để có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức.
Ở Ấn Độ, năm 2008, chính phủ nước này xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư tập trung cùng thẻ chứng minh nhân dân điện tử với mã số nhân dân duy nhất cho từng người. Trên mỗi thẻ chứng minh nhân dân đều bao gồm các thông tin cá nhân như tên, giới tính, ngày sinh và địa chỉ đăng ký cùng các thông tin sinh trắc học như vân tay của 10 ngón, hình ảnh mặt, mống mắt. Ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhiều tổ chức tài chính chính thức khác có thể truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư tập trung để thực hiện quá trình KYC, giúp giảm thiểu thời gian cũng như thúc đẩy nhiều người dân nghèo bắt đầu sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Nhiều nước khác cũng dần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư tập trung cùng phổ cập thẻ chứng minh nhân dân điện tử như Indonesia (2009), Afghanistan (2010), Tanzania (2012), Pakistan (2013), Sri Lanka (2014), Uganda (2014), Nigeria (2014), Kenya (2015), Philippines (2018).
Ở một số nước, ID được kết nối với tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiền vay của khách hàng bởi tổ chức tài chính được phép truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư tập trung. Qua đó, chỉ cần có ID là tổ chức tài chính có thể cung cấp số tiền trợ cấp chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng thông qua chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng thụ hưởng. Ấn Độ và Pakistan là hai nước đi đầu trong vấn đề này.
Trong thảm hỏa lũ lụt năm 2010, ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người dân, Chính phủ Pakistan đã dựa trên các sinh trắc học mà người dân đã đăng ký khi làm ID để xác thực danh tính và cấp phát tiền hỗ trợ lũ lụt. Cơ quan chức năng chỉ cần sử dụng máy soi dấu vân tay để xác thực và tiền hỗ trợ sẽ được gửi đến qua tài khoản hoặc vào thẻ ghi nợ trả trước của đối tượng thụ hưởng. Năm 2014, chương trình hỗ trợ xăng và gas cho người dân của Ấn Độ cũng sử dụng hệ thống ID để xác thực đối tượng thụ hưởng và chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng…
Thực trạng tài chính toàn diện ở
Thực tế triển khai chiến lược tài chính toàn diện ở một số nước trong khu vực cho thấy, chiến lược này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, sự tồn tại của chiến lược tài chính toàn diện có thể hỗ trợ thiết lập nền tài chính quốc gia lành mạnh thông qua việc phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng hơn và qua đó giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có một quy định riêng biệt về tài chính toàn diện, nhưng Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình và hoạt động có mục tiêu và nội dung thúc đẩy tài chính toàn diện. Chương trình xóa đói giảm nghèo, trong đó giúp đối tượng người nghèo tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi là cấu phần quan trọng và đã giúp hàng chục triệu người thoát nghèo kể từ năm 1993 đến nay.
Hiện tại, một số đề án có mục tiêu khá sát với mục tiêu của tài chính toàn diện đã và đang được triển khai như Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng 2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020.
Những đề án đã và đang được triển khai này có những tác động tích cực đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các đề án nói trên mới chỉ góp phần giải quyết một số nội dung trong tài chính toàn diện và mới chỉ tập trung vào các dịch vụ ngân hàng, chưa bao hàm nhiều dịch vụ tài chính cần thiết khác như bảo hiểm, quỹ hưu trí…
Do đó, theo số liệu WB năm 2014, so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam vẫn có tỷ lệ người có tài khoản tại tổ chức tín dụng ở mức thấp hơn (31%), đặc biệt ở vùng nông thôn (chỉ 27%). Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2014 - 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính của Việt Nam là 3,9 (thang điểm cao nhất là 7 và trung vị là 4,5), đứng thứ 104/144 nước được xếp hạng.
Định hướng thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã được giao xây dựng Đề án Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong năm 2019.
Cơ quan này đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan để tuyên truyền, thông tin đầy đủ về tài chính toàn diện ở Việt Nam; phối hợp với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ để tận dụng nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức này để giúp Việt Nam xây dựng và triển khai tài chính toàn diện; rà soát và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cần thiết trong hệ thống nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động và cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng xa, vùng sâu, khó khăn.
Dựa trên kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam thì tầm nhìn cho chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam là: “Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức tài chính được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.
Để đạt được tầm nhìn chiến lược này, 5 trụ cột chính, xuyên suốt chiến lược sẽ là:
Trụ cột 1: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện. Mục tiêu chủ đạo là rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, đầy đủ để thúc đẩy tài chính toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trụ cột 2: Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng và các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính. Mục tiêu chủ đạo là đa dạng hóa loại hình tổ chức tài chính nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tài chính thông qua các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại.
Đặc biệt, nhấn mạnh năng lực của các định chế trong việc phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua Internet, điện thoại di động, thông qua các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh.
Trụ cột 3: Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến người nghèo, người thu nhập thấp, dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã. Mục tiêu chủ đạo là đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản để tiến tới mục tiêu nhóm người yếu thế như người nghèo, người thu nhập thấp, dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hợp tác xã đều có thể tiếp cận đến dịch vụ tài chính cơ bản khi có nhu cầu.
Trụ cột 4: Cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện. Mục tiêu chủ đạo là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả như hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia hay phát triển hệ thống thanh toán quốc gia hiện đại và hữu hiệu nhằm tăng cường tài chính toàn diện
Trụ cột 5: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tăng cường hiểu biết tài chính. Mục tiêu của trụ cột này là hình thành những người tiêu dùng tài chính có khả năng sử dụng, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà các tổ chức tài chính có trách nhiệm cung cấp để sáng suốt lựa chọn các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của cá nhân.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát (tầm nhìn) và các trụ cột nói trên, một bộ chỉ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo việc đo lường, đánh giá và giám sát chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện từ khi xây dựng cho đến triển khai thực hiện ở Việt Nam.
Thực tế những năm qua cho thấy, các nội dung của tài chính toàn diện đã và đang được thực hiện trong nhiều chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam, nhưng còn mang tính phân tán nên hiệu quả chưa như mong đợi. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện là cần thiết để có thể tập trung và phát huy nỗ lực của tất cả mọi người hướng tới mục tiêu chung của tăng trưởng toàn diện.
Thêm vào đó, những sáng kiến quốc tế trong thúc đẩy tài chính toàn diện có thể trở thành những đột phá có tính “bước nhảy” trong các trụ cột của chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam, đảm bảo sự thành công của chiến lược cũng như giúp tài chính toàn diện có những bước tiến xa hơn.