Tiền mặt xử lý nợ xấu: Đề xuất khó nhưng khả thi!

Tiền mặt xử lý nợ xấu: Đề xuất khó nhưng khả thi!

(ĐTCK) TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright cho rằng, bài toán được đặt ra là muốn xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải trích dự phòng từ nguồn lợi nhuận làm ra, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có đủ nguồn lực. 

Trong khi, đề nghị dùng ngân sách hỗ trợ xử lý nợ xấu đã không nhận được sự đồng tình. Nhưng kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không thể tái cấu trúc, xử lý nợ xấu mà không tốn tiền. 

Đánh giá của ông về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay?

Nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Phần lớn nợ xấu được các ngân hàng giải quyết bằng việc sử dụng dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo và thu nợ xấu từ khách hàng, trong khi số nợ bán cho VAMC giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, thách thức trong ngắn hạn đối với nền kinh tế vẫn là vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu mặc dù đã được kéo về dưới 3%, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận con số nợ xấu thực tế cao hơn mức này.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 2,46% nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.

Báo cáo từ VAMC cho thấy, từ 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Trong khi đó, công tác thu hồi nợ mới đạt 37.983 tỷ đồng, chỉ chiếm 15% dư nợ gốc nội bảng. Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.

Tiền mặt xử lý nợ xấu: Đề xuất khó nhưng khả thi! ảnh 1

 TS. Nguyễn Xuân Thành

Quả thực, việc bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ để giãn thời gian cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.

Trường hợp, sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC không được xử lý triệt để, các ngân hàng sẽ phải thu hồi về, hay nói cách khác, bán nợ xấu chỉ làm sạch sổ sách tạm thời cho ngân hàng.

Do đó, đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống cũng như bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.

Quan điểm của ông trước bài toán xử lý nợ xấu chưa có đầu ra trong bối cảnh này?

Quan điểm của tôi về nợ xấu không phải chỉ là câu chuyện xử lý, mà làm sao để các ngân hàng có đủ vốn chủ sở hữu để phát triển.

Nếu quyết liệt phải xử lý nợ xấu theo cách buộc ngân hàng trích dự phòng rủi ro đủ cho số nợ xấu đó thì các ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu. Thậm chí, một số ngân hàng có vốn chủ sở hữu sẽ thấp hơn mức quy định 3.000 tỷ đồng hoặc âm vốn.

Trong khi đó, trước bối cảnh hiện nay, để các ngân hàng tiếp tục hoạt động, coi như phải lờ đi khoản nợ xấu đó hay nói cách khác là tạm cất nó đi (cất trong ngân hàng, cất ở VAMC, cất ngoài ngân hàng) để hoạt động của ngân hàng tiếp tục.

Nhưng trong bối cảnh này, các ngân hàng cũng rất muốn đầu tư rủi ro, để nếu thành công sẽ đem lại lợi nhuận khắc phục nợ xấu. Đây chính là áp lực đối với các cơ quan quản lý là NHNN phải chống được hành vi này để kiểm soát được rủi ro.

Vì điều này cũng đã từng xảy ra trên thực tế khi ở các ngân hàng 0 đồng đã được bán cho NHNN đã có sự đầu tư quá đà, mang lại rủi ro lớn và hậu quả nợ xấu cao.

Sau khi “dọn dẹp sạch sẽ” phần xấu trong các ngân hàng được mua lại, NHNN có thể bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước và theo tôi, các nhà đầu tư sẽ quan tâm, bỏ tiền để mua lại tài sản này

Mới đây, VAMC có đề xuất lên các cơ quan chức năng về việc được tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng đến năm 2020 để có thêm tiềm lực xử lý nợ xấu. Với việc tăng vốn này, VAMC cho biết, sẽ tăng năng lực xử lý nợ xấu trong hệ thống TCTD trong lộ trình nâng cao năng lực xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.

Thế nhưng, điều này cũng chưa hẳn khơi được đầu ra cho nợ xấu, nếu không có thị trường mua - bán nợ. Muốn xử lý được nợ xấu, ngân hàng vẫn phải tự thân bằng việc tăng cường trích dự phòng rủi ro, song không phải nhà băng nào cũng đủ lực.

Vấn đề nợ xấu hiện nay là của toàn nền kinh tế, không phải chỉ riêng ngành ngân hàng. Với tình hình nợ xấu hiện nay, sẽ không có một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, nhưng các ngân hàng sẽ không có khả năng và nguồn lực để đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và tăng trưởng.

Đối với ngân hàng có khả năng trích dự phòng, liệu có thể giải quyết dứt điểm bài toán nợ xấu và tái cấu trúc thành công, đẩy mạnh phát triển thời gian tới?

VAMC chỉ lấy được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong tối đa 5 năm. Bài toán xử lý nợ xấu hiện nay chủ yếu là do tự thân các ngân hàng nên khó có thể đẩy nhanh.

Một số ngân hàng đã tự mua lại nợ bán cho VAMC để xử lý như Vietcombank, nhưng số ngân hàng như vậy còn rất ít. Đồng thời, ngược lại với thực trạng trên, các ngân hàng có vấn đề về nợ xấu, nhưng vẫn nghĩ tồn tại được trên thị trường thì lại sợ rủi ro.

Thậm chí, thanh khoản của các nhà băng này đủ và tốt, nhưng họ vẫn thận trọng trong việc phát triển tín dụng, chỉ cho vay đối với doanh nghiệp lớn, có uy tín và hoạt động hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu, hoặc chỉ đầu tư vào các danh mục an toàn là trái phiếu chính phủ.

Tiền mặt xử lý nợ xấu: Đề xuất khó nhưng khả thi! ảnh 2

 Rất ít ngân hàng có thể tự mua lại nợ  đã bán cho VAMC như Vietcombank 

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có kế hoạch kinh doanh tốt, nhưng lại được ngân hàng nhìn nhận có rủi ro nên sợ và không cho vay. Đó cũng chính là lý do vì sao các doanh nghiệp thuộc phân khúc này luôn kêu khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hoặc tiếp cận được thì lãi suất vay khá cao.

Đấy chính là tình trạng của nền kinh tế hiện nay, cho dù hệ thống ngân hàng luôn được cho là thanh khoản đảm bảo ở mức tốt và lãi suất liên ngân hàng ở mức khá thấp, hoạt động cho vay được ngân hàng cho biết cải thiện, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Nhưng trên thực tế, nguồn vốn tín dụng lại không đến được các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần vốn.

Theo ông, hướng xử lý nợ xấu thời gian tới cần những giải pháp nào để hiệu quả?

Bài toán được đặt ra là trong bối cảnh này, các ngân hàng cũng không có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu. Thế nhưng, một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua ngày 9/11/2016, với đa số phiếu tán thành là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.

Các ngân hàng trước hết phải dùng nguồn lực từ lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Bởi việc thu hút nguồn lực bên ngoài để xử lý nợ xấu được đề cập đến và ngân hàng cũng kỳ vọng điều này để giải quyết được bài toán xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay nhìn nhận nợ xấu của Việt Nam không được đánh giá thực chất nên họ cũng e ngại đầu tư, trừ khi các ngân hàng đó đã được “dọn dẹp” sạch sẽ về nợ xấu.

Như vậy, có thể nói là không thể tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu mà không tốn tiền. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là tiền đó của ai. Chúng ta sẽ thấy, Nhà nước phải chủ động, để xử lý triệt để nợ xấu phải có nguồn lực từ yếu tố nhà nước.

Nguồn lực nhà nước phải bỏ ra trước để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhưng nguồn lực ấy không phải để cứu các chủ ngân hàng, cũng không phải để xóa nợ cho những người đã vay nợ ngân hàng và trở thành nợ xấu.

Chủ ngân hàng phải chịu thiệt, trước khi có nguồn lực nhà nước vào để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu buộc chủ ngân hàng phải đứng ra một bên, mất một phần, thậm chí là mất hết.

Điều đó cũng đã được NHNN thực thi trong thời gian qua khi mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng (CBank, GPBank, Oceanbank).

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng đó sau khi “dọn dẹp” mà vốn chủ sở hữu vẫn âm thì cần quyết liệt dùng đến biện pháp đóng cửa, giải thể, rút giấy phép… vì vốn bị âm, khó cứu vãn.

Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đã mở ra hướng cho các ngân hàng yếu kém phá sản.

Đây là điểm rất tích cực vì các ngân hàng đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán, khả năng chi trả, không thể phục hồi thì nên cho phá sản để tránh lãng phí nguồn lực và tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Nhưng cũng không nên phóng đại quá mối lo ngại về ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia nếu cho một ngân hàng yếu kém phá sản, đặc biệt là khi ngân hàng này đã được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt trong một thời gian đáng kể, thông tin được công bố minh bạch để mọi người đều biết là ngân hàng này không thể phục hồi.

Tôi cho rằng, thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng mà NHNN vừa đưa ra chỉ là vấn đề câu chữ. Vì những ngân hàng có giá trị thực của vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 0 đồng bị mua bắt buộc thì không thể mua với giá nào khác ngoài 0 đồng, hay điều chỉnh một chút thành 1 đồng.

Vậy, nói là chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn là mua 0 đồng. Còn nếu không mua 0 đồng, phải điều chỉnh lại là NHNN chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, không mua bắt buộc.

Ngay khi dùng ngôn từ này, về thực chất, các cổ đông hiện hữu của TCTD cũng mất quyền cổ đông khi phải chuyển giao bắt buộc cổ phần của mình cho NHNN hay TCTD được chỉ định tiếp nhận.

Tất nhiên, dùng ngân sách để xử lý nợ xấu cũng cần được tính toán một cách hợp lý. Chính phủ có thể bán lại các ngân hàng 0 đồng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó chuyển đổi mô hình hoạt động của các ngân hàng này.

Có nghĩa, sau khi dọn dẹp sạch sẽ và loại bỏ các phần xấu trong ngân hàng thì với những phần tốt còn lại, NHNN có thể bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước và theo tôi, các nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm, bỏ tiền để mua lại tài sản này. 

Tin bài liên quan